Những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, chỉ đạo và điều hành, nhất là ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế. Các ứng dụng CNTT đã triển khai bước đầu đem lại hiệu quả tích cực như: Phần mềm VNPT-HIS quản lý tổng thể bệnh viện đã triển khai 103/115 cơ sở y tế; phần mềm thông tin xét nghiệm (LIS) đã triển khai 15/15 bệnh viện, trung tâm y tế; phần mềm thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS) và Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) đã triển khai 11/15 bệnh viện, trung tâm y tế...
Hiện tại đã triển khai thí điểm hệ thống đặt lịch, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa VnCare tại 14 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó tuyến tỉnh 5/5 cơ sở y tế; tuyến huyện 9/9 cơ sở y tế. Tính đến ngày 31/01/2023, tổng số hồ sơ được đăng ký và tạo lập là 127.869 hồ sơ, đặt lịch hẹn khám là 6.477 lượt.
Bác sĩ Trần Quang Khóa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết: Trong năm qua, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025. Bệnh viện đã phối hợp với các Ngân hàng như: Viettinbank, BIDV và Viễn thông Cà Mau để triển khai và ký hợp đồng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại đơn vị. Trong năm 2022 đã có 3 cơ sở y tế công lập (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Sản- Nhi và Mắt- Da Liễu) và 2 cơ sở ngoài công lập (Bệnh viện Hoàn Mỹ Minh Hải, Medic) triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Riêng Bệnh viện Công an cũng đã triển khai thực hiện đầu tháng 01/2023.
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, trước mắt các cơ sở y tế ứng dụng các phương thức đơn giản, không tốn tiền hoặc tốn ít,... đang dần chuyển đổi kết nối sang các phương thức cao hơn và kết nối tự động giữa ngân hàng và phần mềm khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các Bệnh viện đã triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. Người bệnh có thể dùng căn cước công dân gắn chíp để đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
"Việc tra cứu và tiếp nhận thông tin thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh bằng căn cước công dân (qua số căn cước công dân và mã QR căn cước công dân) đã được tích hợp vào Hồ sơ sức khỏe điện tử VNPT - HIS. Việc tra cứu thẻ bảo hiểm trên cổng Giám định bảo hiểm xã hội bằng căn cước công dân cũng được thực hiện tốt và tra cứu thông tin rất chính xác", bác sĩ Trần Quang Khóa cho biết thêm.
Đến nay, tổng cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD là 116/116 cơ sở (đạt 100%). Đã tra cứu thành công 57.745 lượt/104.295 tổng lượt tra cứu (đạt 55,37%).
Trong các sản phẩm CNTT phục vụ cho cơ sở y tế, các sản phẩm Quản lý bệnh viện (HIS), Quản lý Khoa Xét nghiệm (LIS), Quản lý Khoa Chẩn đoán hình ảnh (RIS/PACS) là những sản phẩm quan trọng và không thể thiếu để phục vụ cho các cơ sở y tế từ tuyến 3 trở lên, đây là các sản phẩm phục vụ cho các nghiệp vụ chính trong quá trình khám chữa bệnh. Các thông tin chỉ định cận lâm sàng được chỉ định từ sản phẩm HIS sẽ được truyền sang các sản phẩm LIS, RIS/PACS để quản lý thông tin tại các Khoa Cận lâm sàng. Sau khi thực hiện các dịch vụ, có kết quả cận lâm sàng trên các sản phẩm LIS, RIS/PACS, thông tin này cũng sẽ được truyền về lại hệ thống HIS để các bác sĩ chỉ định có được thông tin kết quả của chỉ định.
Mục tiêu Cà Mau đặt ra là các sản phẩm HIS, LIS, RIS/PACS cần hướng tới các mức cao nhất theo từng sản phẩm đã được quy định trong Thông tư 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Quang Khóa cho biết: Đối với sản phẩm HIS sẽ đáp ứng mức 7 của thông tư cung cấp đầy đủ cho bệnh viện giải pháp quản lý tổng thể về nghiệp vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Đối với sản phẩm LIS và RIS/PACS sẽ đáp ứng mức nâng cao của thông tư.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ hình thành mỗi người dân có một hồ sơ sức khoẻ điện tử được cập nhật liên tục, đầy đủ, chính xác, được kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành tạo lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân đạt 100% đến năm 2025. 60 - 70% hồ sơ sức khoẻ điện tử được cập nhật, quản lý sức khoẻ định kỳ.
Đối với nền tảng Quản lý tiêm chủng, trong thời gian gần nhất sẽ được kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý tiêm chủng dịch vụ khác và ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử của người dân được thông suốt.
Nền tảng quản lý tiêm chủng hỗ trợ được các cơ sở tiêm chủng triển khai công cụ lập kế hoạch, quản lý vắc xin, thực hiện và cấp giấy chứng nhận tiêm chủng; phục vụ cung cấp phân bổ vắc xin, số liệu cho việc quản lý, điều hành.
Năm 2023, ngành Y tế địa phương cũng đặt ra mục tiêu 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh có chất lượng, giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa bao gồm hệ thống thông tin quản lý nhà nước về hoạt động tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kết nối các hệ thống ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh; kết nối với hệ thống nền tảng chuyển đổi số, dữ liệu ứng dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử. Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa còn phải thực hiện hội chẩn chuyên môn giữa cơ sở y tế các tuyến.
Riêng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các phương thức thanh thanh toán không dùng tiền mặt tại 3 cơ sở y tế công lập (Bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Sản- Nhi, Mắt- Da Liễu) và 2 Bệnh viện ngoài công lập (Hoàn Mỹ Minh Hải, Medic). Triển khai thực hiện tại tất cả các Bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện huyện/thành phố và Trung tâm y tế huyện, thành phố Cà Mau; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế có thu đến năm 2025. Riêng năm 2023 triển khai tại 9 đơn vị: 2 bệnh viện chuyên khoa (Y học cổ truyển; Lao- Bệnh phổi); 5 bệnh viện đa khoa (Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn, Tp Cà Mau) và 2 bệnh viện ngành (Công an, Quân Dân Y).