Thứ Tư, 01/03/2023 10:21
TIÊM BỔ SUNG VẮC XIN PHÒNG BỆNH UỐN VÁN – BẠCH HẦU
Lượt xem: 12
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chương trình tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ bị ảnh hưởng, trong đó có vắc xin phòng bệnh uốn ván – bạch hầu dẫn đến miễn dịch phòng bệnh ở trẻ bị giảm. Để duy trì miễn dịch phòng bệnh, ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu cho trẻ.
Đối lượng trẻ cần tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu lần này là tất cả trẻ học lớp 3 và trẻ 8 tuổi ngoài cộng đồng. Sau khi được tập huấn cập nhật kỹ năng an toàn tiêm chủng, các trạm y tế các xã, thị trấn đã phối hợp với các điểm trường tiểu học điều tra danh sách, chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, thuốc, bố trí bàn tiêm và phòng chờ sau tiêm đảm bảo quy trình về an toàn tiêm chủng. Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Trạm y tế phường 5, thành phố Cà Mau nói “Trạm Y tế đã phối hợp với các điểm trường rà soát, lập danh sách trẻ, nhận vắc xin và tiến hành bố trí bàn tiêm. Trên địa bàn phường 5 có 4 điểm trường, mỗi điển trường chúng tôi bố bí một buổi tiêm”. Ông Lương Văn Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu TP Cà Mau cho biết “Trước khi tiêm nhà trường gửi thư mời và tuyên truyền cho phụ huynh biết về lợi ích của việc tiêm bổ sung vắc xin lần này. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với trạm y tế để tiêm cho trẻ an toàn và hiệu quả”.
Qua thống kê, toàn tỉnh có hơn 20.950 trẻ trong diện được tiêm bổ sung, chủ yếu là trẻ trong trường học. Sau khi tiêm tại các điểm trường, những trẻ chưa được tiêm và trẻ ngoài cộng đồng sẽ được bố trí tiêm tại trạm y tế. Thông qua công tác tuyên truyền, hiện nay công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ được phụ huynh quan tâm, đưa trẻ đi tiêm đầy đủ. Anh Trần Đăng Tình, phường 6, thành phố Cà Mau chia sẻ “Khi nhà trường gửi thư mời tôi đến trường để cho con tiêm và theo dõi tình hình con sau tiêm như thế nào. Tôi thấy tiêm vắc xin đầy đủ cho con là rất quan trọng để phòng bệnh cho con”. Bác sĩ Nguyễn Văn Rel, trưởng Trạm y tế thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn nói “Tại thị trấn Năm Căn qua điều tra thì không có trẻ ngoài cộng động. Chúng tôi sẽ triển khai bàn tiêm trong trường học, đối với những trẻ vắng hoặc chưa được tiêm thi chúng tôi bố trí tiêm sau tại trạm y tế. Trong quá trình tiêm chúng tôi đã phối vợi với bệnh viện thành lập tổ cấp cứu để xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm”.

Bệnh uốn ván và bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, cả hai loại bệnh này đều có thể chủ động phòng hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin, đặc biệt là việc tiêm bổ sung để duy trì khả năng miễn dịch phòng bệnh cao nhất. Tại Việt Nam, năm 2020 ghi nhận 320 ca mắc uốn ván – bạch hầu tại 28 tỉnh, thành phố, năm 2021 ghi nhận 182 ca mắc tại 25 tỉnh, thành phố. Nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới, do đó việc tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu cho trẻ là rất cần thiết. Bác sĩ Lê Chí Nguyện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Năm Căn cho biết “Phối hợp với nhà trường rà soát không để sót đối tượng trẻ trong diện tiêm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phụ huynh nắm những lọi ích của tiêm vắc xin. Thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền, giờ đây người dân đồng tình và cho con mình tiêm đầy đủ. Tại huyện năm căn có hơn hơn 1.000 trẻ, tỷ lệ tiêm đạt 100%”.
Với sự phối hợp của các điểm trường, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu lần này đã có 100% trẻ được tiêm đầy đủ, các mũi tiêm đều diễn ra an toàn. Việc tiêm bổ sung vắc xin uốn ván – bạch hầu sẽ củng cố và tăng cường miễn dịch phòng bệnh cho trẻ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh quay trở lại.
Gia Bảo