Theo Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.
Bác sĩ La Thanh Quyền, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình thông tin: Thống kê cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới ở mức 45,3%, nữ 1,1%. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Khói thuốc lá có nhiều chất độc hại, bao gồm hợp chất hữu cơ Benzopyrene, chì, Carbon monoxide, Asen, Amoniac, hợp chất hữu cơ Formaldehyde, Xyanua. Một số chất độc hại này từ không khí đi vào phổi và máu, khiến làm tăng nguy cơ mắc bệnh của nhiều người.Việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất là 30%. Có thể bao gồm một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư thận, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng và khối u não.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thới Bình trong 6 tháng đầu năm đã phát hiện 64 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có liên quan đến thuốc lá đến khám và điều trị. Tuy số bệnh nhân được phát hiện có giảm so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tình trạng hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thụ động còn nhiều trong cộng đồng. Thêm vào đó, việc tiếp cận với thuốc lá điện tử ở giới trẻ hiện nay cũng có xu hướng gia tăng. Chính những điều này đã gây khó khăn trong công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, làm gia tăng các bệnh lý không lây nhiễm. Đồng thời gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của những người xung quanh rất nhiều.
Chị Lê Kiều Diễm, xã Thới Bình, huyện Thới Bình chia sẻ: Khi nhìn thấy người hút thuốc lá ở nơi bị cấm tôi cảm thấy khó chịu và không chấp nhận được. Nhưng qua quan sát tôi nhận thấy, mọi người thường có các phản ứng như không lên tiếng nhắc nhở vì cho rằng đó là chuyện của người hút, sợ người hút thuốc phản ứng lại khi bị nhắc nhở và sẽ ngồi chịu trận với khói thuốc vì cho rằng hít khói thuốc một ít cũng không sao. Ai khó chịu hơn thì tỏ thái độ nhăn nhó, che mũi, ai khó chịu hơn nữa thì bỏ đi chỗ khác. Hoặc khi lên tiếng nhắc nhở người hút đây là khu vực cấm và yêu cầu họ tắt thuốc thì sau đó họ cũng đi chỗ khác hút tiếp tục.
Luật Phòng,chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã có hiệu lực từ năm 2013 nhằm xây dựng môi trường không khói thuốc ở một số địa điểm, bảo vệ sức khỏe cho những người không hút thuốc.Đồng thời gây khó khăn cho người hút để giúp họ từ bỏ thói quen hút thuốc lá. Quy định địa điểm cấm hút thuốc bao gồm nơi làm việc; cơ sở y tế; cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên,do chế tài xử phạt của Luật chưa được thực thi nghiêm, nên hiện nay vẫn còn nhiều người hút thuốc ở khu vực cấm.
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc còn gặp khó khăn do hành vi hút thuốc diễn ra nhanh, khó bắt tận tay. Phản ứng của người hút thuốc lá nhiều lúc gay gắt. Các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở và không có thẩm quyền xử phạt.Ngoài ra, giá thuốc lá còn thấp nên nhiều người dễ dàng tiếp cận và mua được thuốc để hút. Song song đó, ý thức từ bỏ thuốc lá của nhiều người vẫn chưa thực hiện được với nhiều lý do.
Trên thực tế, có nhiều người muốn từ bỏ thuốc lá nhưng không làm được, hành vi hút thuốc lá đã trở thành thói quen không từ bỏ được. Bởi, ngay trong thành phần thuốc lá có chất nicotin gây nghiện nên đến giờ phải hút nếu không sẽ gây cảm giác thèm khát, người mệt mỏi, lười biếng. Một số người cho biết, khi bỏ thuốc lá được vài ngày thì cảm thấy trong người bức rứt, ăn không ngon, ngủ không yên. Thậm chí chóng mặt, tăng huyết áp nên phải hút lại, khi đó các triệu chứng trên biến mất và huyết áp cũng trở về bình thường, bác sĩ Quyền thông tin thêm.
Hút thuốc vừa có hại cho bản thân lại vừa có hại cho người khác, những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ và hành động từ bỏ thuốc lá truyền thống cũng như các loại thuốc lá điện tử vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Riêng những người không hút thuốc thì hãy chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc trước mặt mình. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, các biện pháp cai nghiện thuốc lá và các tác hại của thuốc lá mang lại… đặc biệt là thanh thiếu niên trong cộng đồng. Qua đó, mỗi người đã góp một phần vào việc xây dựng một môi trường trong lành không khói thuốc độc hại, thể hiện được trách nhiệm đối với việc bảo vệ sức khỏe cho thế hệ con cháu mai sau.