image banner
BỆNH THỦY ĐẬU
Theo thống kê hàng năm của ngành Y tế, bệnh thủy đậu thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6, nhiều nhất là vào tháng 3. Bệnh có tính chất lây nhiễm rất cao trong cộng đồng. Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị lây bệnh thủy đậu nhất, vì sức đề kháng còn yếu kém và cơ hội tiếp xúc với môi trường sống khá rộng. Tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 2 - 7 tuổi, phần lớn là trẻ chưa được tiêm phòng thủy đậu, ít gặp ở trẻ dưới 6 tháng. Ngoài ra, người lớn cũng có thể mắc bệnh thủy đậu.

Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ, có nơi còn gọi là bệnh phỏng rạ. Bệnh do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus gây nên. Thủy đậu là một bệnh rất truyền nhiễm và lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị bệnh, hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người  bị nhiễm như ho, hắt hơi, hoặc nhảy mũi... Bệnh cũng có thể lây lan qua sự tiếp xúc đến quần áo hoặc vải trải giường bị ô nhiễm, bởi chất dịch từ ban ngứa hoặc từ miệng, mũi của người bị bệnh.

Bệnh phát triển trong vòng 10 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Bệnh thủy đậu có thể lây từ 1 - 2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết phng nổi lên). Những người nào có hệ miễn dịch bị suy yếu mà bị trái rạ thì có thể phải mất một thời gian lâu hơn để những mụn thủy đậu của họ đóng vảy. Khoảng 90% những người nào chưa từng bị thủy đậu trong gia đình thì sẽ bị, nếu tiếp xúc với một người thân bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

 Dấu hiệu để nhận biết bệnh thủy đậu:

 Khi bị thủy đậu cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 - 500 nốt. Mụn nước có kích thước từ 1 - 3mm đường kính, chứa dịch trong. Tuy nhiên, những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn, hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục như chứa mủ. Bên cạnh mụn nước, trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói, cảm giác ngứa ngáy nơi các mụn nước. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường. Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 mụn trên thân thể hoặc nhiều hơn.

Biến chứng của bệnh thủy đậu:

Thủy đậu vốn là một bệnh lành tính, nhưng nếu không được phát hiện sớm, không được chăm sóc chu đáo, không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan. Ngoài ra, nếu người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này. Một biến chứng muộn thường gặp của thủy đậu là bệnh Zona hay còn gọi là bệnh dời leo, là một dạng tái phát muộn sau nhiều năm của bệnh thủy đậu. Zona cũng có những biến chứng nguy hiểm như: Đau thần kinh, loét giác mạc, mù mắt...

Cách chăm sóc người bệnh thủy đậu:

 Vì là bệnh lây nhiễm, nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là nên cách ly trẻ cho đến khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ, cắt ngắn các móng tay, đeo bao tay cho trẻ để tránh làm vỡ bóng nước, giữ bàn cho trẻ thật sạch.

 Người mắc bệnh thủy đậu cần tắm rửa bằng nước ấm hàng ngày để giữ vệ sinh da, giảm ngứa. Có thể uống thêm Clopheniramine theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm ngứa. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Không nên làm vỡ các nốt đậu, dùng dung dịch Milian (Xanh Methylene) chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ để phòng ngừa bội nhiễm. Hạ nhiệt, giảm đau bằng Paracetamol, tuyệt đối không được dùng Aspirine d gây ra Hội chứng Reye rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết trên nốt rạ, nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu:

Mặc dù bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi, hoặc trong khoảng 4 - 6 tuần để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm ngừa. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên, người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần. Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 49 tuổi) nên tiêm vắc xin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. Tuyệt đối không tiêm vắc xin thủy đậu cho phụ nữ đang mang thai.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh cần được cách ly người bệnh cho đến khi khỏi bệnh hẳn; Khử khuẩn đồ dùng cá nhân hàng ngày bằng nước sôi.

Đối với người thân trong gia đình nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt, những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

Vệ sinh phòng ở của người bệnh bằng cách lau sàn nhà, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi... của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.

Tóm lại, để phòng ngừa bệnh thủy đậu thì biện pháp tốt nhất là tiêm ngừa vắc xin thủy đậu. Vì sau tiêm chủng, khả năng phòng ngừa được bệnh đạt đến 95 - 97% và độ an toàn gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% còn lại là có thể mắc thủy đậu sau tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt và thường là không bị biến chứng.

                                                                                                 

Dương Tú
Video truyền thông
  • ĐẢM BẢO VẮC XIN TIÊM BÙ CHO TRẺ
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 228
  • Trong tuần: 4 576
  • Tất cả: 863035

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com