Dịch vụ PrEP là viết tắt của cụm từ "Pre-Exposure Prophylaxis" (dự phòng trước phơi nhiễm), là một phương pháp phòng ngừa HIV hiệu quả dành cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao. Sử dụng PrEP hàng ngày có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV khi quan hệ tình dục hoặc sử dụng chung kim tiêm với người nhiễm HIV.
Bệnh HIV/AIDS vẫn là một trong những vấn đề y tế nghiêm trọng trên toàn cầu, đặc biệt ở các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người sử dụng ma túy qua đường tiêm, phụ nữ có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, và những người có nhiều bạn tình. Dịch vụ PrEP đã chứng minh là một công cụ mạnh mẽ trong việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV, góp phần kiểm soát dịch bệnh này. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh PrEP là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Nếu được sử dụng đúng cách, PrEP có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến 99%. Đối với những người sử dụng ma túy qua đường tiêm, PrEP giảm nguy cơ khoảng 74%. Tuy nhiên, hiệu quả của PrEP phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ liệu trình điều trị, việc bỏ qua liều hoặc không uống thuốc đều đặn có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Tổ phó Tổ thực hiện Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tại Cà Mau cho biết “Người có nhu cầu sử dụng PreP sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi bắt đầu sử dụng, bác sĩ sẽ tư vấn và thực hiện các xét nghiệm cần thiết như kiểm tra HIV, chức năng gan, thận và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc này đảm bảo rằng PrEP là lựa chọn an toàn và phù hợp cho họ. Người dùng cần uống thuốc đều đặn hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu. Việc bỏ liều hoặc uống không đều đặn có thể làm giảm khả năng bảo vệ và tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, người sử dụng PreP còn được kiểm tra sức khỏe định kỳ trong quá trình sử dụng PrEP, thông thường là mỗi 3 tháng, để đảm bảo thuốc đang phát huy tác dụng và không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong mỗi lần thăm khám”.
Tác dụng phụ một số người dùng PrEP có thể gặp phải tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, hoặc rối loạn tiêu hóa trong thời gian đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ giảm dần sau vài tuần sử dụng. Nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài, người dùng cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh liệu trình. Mặc dù PrEP rất hiệu quả trong việc phòng ngừa HIV, nhưng nó không bảo vệ đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như: Bệnh lậu, giang mai. Do đó, việc kết hợp sử dụng PrEP với các biện pháp phòng ngừa khác như sử dụng bao cao su vẫn rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe toàn diện.
Việc phổ biến và sử dụng rộng rãi PrEP không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng mà còn góp phần làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người sống chung với người nhiễm HIV. Dịch vụ PreP đã mang lại một giải pháp hiệu quả và an toàn trong việc phòng ngừa và kiểm soát HIV, đặc biệt là cho những người có nguy cơ cao. Để phát huy tối đa hiệu quả của PreP thì người dùng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ và kết hợp với các biện pháp phòng HIV khác. Sự xuất hiện của dịch vụ PreP đã mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Tại Cà Mau có 02 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP gồm:
1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau
- Địa chỉ: Số 8, đường Danh Thị Tươi, khóm 8, phường 5, TP Cà Mau
- Số điện thoại tư vấn: 0941.179.379 hoặc 0949.606.151
2. Trung tâm Y tế thành phố Cà Mau
- Địa chỉ: Số 16, đường Hoàng Diệu, khóm 3, phường 2, thành phố Cà Mau.
- Số điện thoại tư vấn: 0913.102.401