19/11/2024
GIẢM NGUY CƠ LÂY NHIỄM HIV TRONG CỘNG ĐỒNG
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành cùng với sự hỗ trợ từ Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS mà công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả khả quan, những đối tượng nguy cơ cao được tư vấn và tiếp cận với các dịch vụ can thiệp và điều trị dự phòng hiệu quả. Qua đó, làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Bệnh HIV lây truyền chủ yếu qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, trong đó các đối tượng có nguy cơ cao như: người tiêm chích ma tuý, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) v.v.. Nhờ phát hiện và chuyển gửi người nhiễm HIV đưa vào điều trị sớm, tư vấn và giám sát sử dụng thuốc đều đặn, thường xuyên thăm khám. Đồng thời, bệnh nhân được tư vấn điều trị các bệnh đồng nhiễm HIV như: Bệnh lao, bệnh viêm gan B, C….từ đó đã làm giảm tỉ lệ tử vong và kéo dài tuổi thọ ở người nhiễm HIV. Bác sĩ Đoàn Văn Nam, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau nói “Thời gian qua, chúng tôi tăng cường cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng như: Bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho những đối tượng có nguy cơ cao. Triển khai hiệu quả dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dịch đồng giới. Tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình điều trị cho bệnh nhân, tư vấn đối với bạn tình hay những người có tiếp xúc với người nhiễm HIV tiếp cận với các dịch vụ dự phòng sớm”.
Một trong các biện pháp phòng lây nhiễm HIV trong công đồng đó là việc cung cấp dịch vụ dự phòng phơi nhiễm HIV bằng thuốc PrEP. Thông qua, nhóm tiếp cận cộng đồng mà những người có nguy cơ cao được sử dụng dịch vụ dự phòng, đến nay có hơn 500 khách hàng tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Ngoài ra, những người nhiễm HIV trong cộng đồng được xét nghiệm, phát hiện và đưa vào điều trị sớm. Anh Trần Thanh Tuấn, nhân viên tiếp cận cộng đồng, thành phố Cà Mau nói “Khi tham gia nhóm tiếp cận cộng đồng thì tôi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tập tập huấn, cập nhật kiến thức để tiếp cận với khách hàng. Qua đó, đã có nhiều khách hàng nguy cơ cao được chúng tôi cung cấp dịch vụ và chuyển vào điều trị kịp thời. Thuốc PreP có thể dự phòng HIV trên 95% nếu khách hàng tuân thủ quá trình điều trị”.
Từ năm 2009, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ở các địa phương để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông và cung cấp các dịch vụ. Sau 15 năm triển khai công tác phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con của tỉnh Cà Mau đạt kết quả quan trọng. Việc duy trì tư vấn xét nghiệm để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời cũng góp phần làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Bác sĩ, Dương Kim Ngân, Trưởng khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau chia sẻ “Nhưng phụ nữ mang thai đến đây khám đều được tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu phát hiện người mẹ có nhiễm HIV, chúng tôi tiếp tục tư vấn các biện pháp điều trị để đảm bảo trẻ không lây nhiễm HIV sang con”.
Những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã mang lại những kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, góp phần tiến tới mục tiêu của quốc gia là chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Minh Luân