Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các bà mẹ không thể trực tiếp cho con bú, nên vắt sữa là giải pháp tốt nhất.
Theo các bác sĩ chuyên môn, nên vắt sữa khi không có điều kiện gần con, cho con bú vì nếu sữa không được vắt ra thì sẽ bị cạn dần. Vắt sữa giúp bạn dễ chịu, đỡ bị hiện tượng cương bầu vú. Như thế, bé cũng có thể uống sữa mẹ trong một thời gian cần thiết, nhất là 6 tháng đầu đời.
Bác sĩ Quách Thị Ngọc Trinh, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế huyện Thới Bình chia sẻ: Trước khi vắt sữa các bà mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ đựng sữa. Rửa các loại dụng cụ này bằng xà phòng và nước sạch. Sau đó, dùng nước sôi trụng qua trong vài phút để tiệt trùng. Với bầu vú, mẹ hãy làm mềm bằng cách lau khăn ấm và mát xa nhẹ nhàng cả hai bên để việc vắt sữa dễ dàng hơn.
Trong khi vắt sữa bà mẹ từ từ nâng bầu vú bằng một tay, mát xa từ trên bầu vú xuống núm vú. Sau đó xoa xung quanh kể cả phía dưới bầu vú. Tiếp tục ấn nhẹ vào vùng quầng vú bằng ngón cái và ngón trỏ rồi dùng 2 ngón tay bóp vào nhau và ấn ngược lại để sữa chảy ra. Nên vắt một bên tối thiểu 3-5 phút cho tới khi thấy sữa chảy chậm lại thì chuyển sang bên kia, sau đó vắt cả 2 bên cho cân bằng.
Ngoài cách vắt sữa bằng tay, mẹ cũng có thể sử dụng các dụng cụ bơm hút sữa tiện lợi và dễ dàng hơn. Trước tiên cũng phải làm mềm bầu vú và phải tiệt trùng dụng cụ bơm hút trước khi hút sữa, sau đó mới sử dụng.
Sữa sau khi vắt ra cần được bảo quản trong bình thủy tinh, bình nhựa đậy kín hoặc sử dụng túi đựng chuyên dụng. Chỉ nên để 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của bé để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh. Để an toàn, nhớ ghi rõ ngày vắt sữa ngoài bình, túi đựng để kiểm soát hạn dùng.
Việc rã đông sữa mẹ không đúng cách trước hết sẽ làm mất nhiều chất dinh dưỡng quý giá có trong sữa mẹ, nặng hơn có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, bác sĩ Trinh thông tin.
Rã đông sữa mẹ đúng cách với sữa được bảo quản trong tủ đá là bỏ túi sữa xuống ngăn mát từ hôm trước rồi để qua đêm cho sữa tan đá. Khi sữa đã tan đá hoàn toàn, mẹ dùng tay lắc nhẹ cho lớp sữa béo và lớp sữa trong hòa vào với nhau. Tiếp đó, mẹ ngâm túi sữa vào nước ấm 40 độ C, không được để nhiệt độ cao hơn. Nếu có máy hâm sữa thì càng tốt. Đến khi thấy sữa ấm đều thì cho bé bú.
Rã đông với sữa trong ngăn mát: Sữa mẹ bảo quản trong ngăn mát chỉ có hạn sử dụng 48 giờ đồng hồ, qua thời gian này, tuyệt đối không hâm nóng lại cho bé bú. Rã đông sữa mẹ đúng cách trong trường hợp này đơn giản hơn nhiều so với sữa được bảo quản trong ngăn đá. Mẹ chỉ cần mang túi sữa ngâm vào nước ấm 40 độ C đến khi sữa ấm đều là bé có thể sử dụng được. Nếu bé uống không hết thì bỏ đi, không cho bé sử dụng lại.
Chất béo trong sữa sẽ tạo thành một lớp mỏng trên bề mặt. Do đó, khi làm ấm sữa, mẹ nên lắc đều để tái phân bố lại lớp chất béo này. Lò vi sóng có thể làm hủy hoại đi các chất kháng thể chống nhiễm trùng trong sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ không nên sử dụng lò vi sóng để làm ấm sữa.
Một số mẹ có hàm lượng lipase (một loại men tiêu hóa chất béo) trong sữa cao, khi rã đông sẽ khiến sữa có mùi vị của xà phòng, nhiều bé không muốn uống. Trong trường hợp này, mẹ có thể đun nhẹ sữa ở 80 đến 82oC để làm mất lipase. Sau đó làm lạnh nhanh và bảo quản sữa lại trong tủ lạnh.
Nghiên cứu cũng cho thấy, sữa mẹ bảo quản dù trong ngăn mát hay ngăn đông tủ lạnh càng lâu thì lượng vitamin C bị mất đi càng nhiều. Một lưu ý quan trọng khác mẹ cần biết là sữa mẹ sẽ thay đổi để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Sữa mẹ vắt ra khi trẻ ở giai đoạn sơ sinh sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ khi được vài tháng tuổi. Ngoài ra, hướng dẫn bảo quản sữa mẹ có thể khác nhau trong trường hợp trẻ sinh non hoặc trẻ mắc bệnh lý cần nhập viện chăm sóc đặc biệt. Do đó, người mẹ cần tìm hiểu kỹ và thực hành đúng các nguyên tắc vắt sữa và bảo quản sữa để bé có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và đủ chất.