image banner
Phòng ngộ độc cá nóc
Cá nóc là một trong những loại cá có độc tố mạnh, có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, thậm chí tử vong nếu ăn phải. Độc tố trong cá nóc chủ yếu là tetrodotoxin (TTX) – một chất có khả năng gây tê liệt thần kinh và không có thuốc giải đặc hiệu.

Theo ghi nhận, trong tháng 3/2025 đã xảy ra 05 trường hợp ngộ độc do ăn cá nóc xảy ra tại thị trấn Cái Đôi Vàm (04 trường hợp) và xã Phú Mỹ (01 trường hợp), huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau phải nhập viện điều trị. Các bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhưng rất may đều được điều trị kịp thời và qua cơn nguy kịch. Mặc dù ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã có nhiều khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm và chế biến thức ăn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thế nhưng, một số người vẫn bất chấp cảnh báo về sự nguy hiểm này và sử dụng cá nóc làm thực phẩm, đặc biệt là ở các vùng ven biển.

Cá nóc hay còn gọi là cá đùi gà, cá cóc, cá bống biển. Hiện nay, có khoảng hơn 400 loài cá nóc và ở Việt Nam có hơn 70 loài cá nóc, trong đó nhiều loài chứa độc tố. Một số loài cá nóc hay gặp như cá nóc chấm cam, cá nóc chuột, cá nóc gai. Độc cá nóc xuất hiện ở nội tạng, túi tinh, cơ bụng và đặc biệt có trong cả trứng cá. Tùy thuộc vào mỗi loài cá nóc mà độc tố sẽ có độ nặng nhẹ khác nhau. Độc cá nóc chính là tetrodotoxin, được sinh ra từ các vi khuẩn cộng sinh trên cá nóc. Trên thực tế, loại độc này thường có ở nội tạng, buồng trứng cá.

Bác sĩ Dương Thị Tú, Trưởng phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước cho biết: Tình trạng ngộ độc cá nóc thường xảy ra do người dân không biết cách loại bỏ bộ phận chứa độc tố. Một số người chủ quan cho rằng cá nóc có thể ăn được nếu chế biến kỹ hay nhầm lẫn với các loài cá khác, do một số loài cá nóc trông giống cá thường nên bị đánh bắt và chế biến.

Sau khi ăn cá nóc, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau 10 phút đến vài giờ. Sau 10 - 45 phút sẽ xuất hiện triệu chứng ban đầu như tê môi, lưỡi, đầu ngón tay, ngón chân; Chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa; Đau bụng, tiêu chảy. Sau 1 - 3 giờ sẽ bị ngộ độc nặng với các biểu hiện co giật, nói khó, khó thở; Tê liệt cơ hô hấp, mất ý thức. Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể tử vong do suy hô hấp, ngừng tim.

Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, nếu nghi ngờ có người bị ngộ độc cá nóc, cần xử lý nhanh theo các bước sau: Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức; Gây nôn (nếu bệnh nhân còn tỉnh táo) bằng cách uống nhiều nước ấm pha muối loãng, móc họng để nôn hết thức ăn ra ngoài; Cho bệnh nhân uống than hoạt tính (nếu có) để hấp thụ bớt độc tố; Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng nhanh càng tốt. Đặc biệt, không tự ý điều trị tại nhà vì tetrodotoxin cực kỳ nguy hiểm và không có thuốc giải đặc hiệu.

Để tránh bị ngộ độc thì người dân không nên sử dụng những sản phẩm từ các nóc, tuân thủ nghiêm các quy định, khuyến cáo về phòng tránh ngộ độc cá nóc. Loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt tại bến cá. Tuyệt đối không ăn cá nóc, dù là cá tươi hay cá khô. Không làm chả cá nóc, bột cá nóc hoặc các sản phẩm các nóc khác để bán. Không mua hoặc tiêu thụ cá có hình dạng giống cá nóc, kể cả ở chợ hải sản. Ngư dân cần nhận diện đúng cá nóc để tránh đánh bắt nhầm. Đặc biệt, Luật pháp cấm buôn bán, chế biến cá nóc, do đó tất cả người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt.

Ngộ độc cá nóc là rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không cấp cứu kịp thời. Để bảo vệ sức khỏe, cách tốt nhất là không ăn cá nóc dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu thấy cá có dấu hiệu giống cá nóc, tuyệt đối không chế biến hay tiêu thụ và thông báo ngay với chính quyền địa phương nếu phát hiện cá nóc được bày bán. Đừng mạo hiểm tính mạng vì sự tò mò hay sở thích ăn uống, bởi chỉ một lượng nhỏ độc tố cá nóc cũng có thể gây tử vong.

Huyền Trân
Video truyền thông
  • Kêu gọi cộng đồng hưởng ứng tháng hành động phòng chống sởi
  • THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 14.3.2025
  • CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH, CẤP THUỐC MIỄN PHÍ VÀ TẶNG QUÀ CHO NGƯỜI DÂN
  • 70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 35
  • Hôm nay: 143
  • Trong tuần: 13 442
  • Tất cả: 1131210

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ: Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com