25/07/2025
Phun hóa chất xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại phường Lý Văn Lâm
Chiều ngày 23/7/2025, Trung tâm Y tế khu vực Cà Mau đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại ổ dịch thuộc ấp Giao Vàm, phường Lý Văn Lâm (trước đây thuộc xã Lợi An). Lực lượng chuyên môn đã xử lý 26 lu, khạp chứa nước trong khu vực, đồng thời tổ chức phun hóa chất diện rộng trong bán kính 200 mét quanh khu vực ổ dịch, bao gồm 16 hộ dân sinh sống.
Thời tiết mưa nhiều và ẩm ướt trong những ngày gần đây tại tỉnh Cà Mau đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn – tác nhân chính truyền bệnh sốt xuất huyết – sinh sôi và phát triển mạnh. Tính đến nay, từ đầu năm 2025, toàn địa bàn đã ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2024 (86 ca), với 64 ổ dịch được phát hiện. Phường Lý Văn Lâm ghi nhận 16 ca bệnh và 10 ổ dịch; phường Tân Thành (trước đây là phường 6) có 15 ca bệnh và 11 ổ dịch; phường An Xuyên (trước đây là phường 1) có 10 ca và 8 ổ dịch; phường Tắc Vân (trước đây là xã Tắc Vân) có 10 ca bệnh và 2 ổ dịch.
Song song với hoạt động xử lý môi trường và phun hóa chất, Trung tâm Y tế khu vực Cà Mau cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống dịch. Các nội dung truyền thông được cập nhật thường xuyên trên website của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, đồng thời lan tỏa qua nhiều nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, YouTube, cùng các infographic, video clip, audio clip, tin nhắn điện thoại… nhằm hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Người dân được khuyến khích thực hiện các biện pháp chủ động như: loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), vệ sinh môi trường sạch sẽ; đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt như lu, khạp, thùng, chậu; thay nước thường xuyên ở bình hoa, khay nước, bát nước cúng; thả cá vào bể cảnh để tiêu diệt lăng quăng. Với các vật dụng chứa nước không dùng đến, cần sắp xếp, che chắn hợp lý để tránh đọng nước – môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản.
Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như: ngủ mùng kể cả ban ngày, sử dụng lưới chống muỗi, rèm tẩm hóa chất ở cửa ra vào và cửa sổ, dùng hương xua muỗi, bình xịt hoặc vợt điện và bôi kem chống muỗi có thành phần an toàn đã được kiểm chứng.
Trung tâm Y tế cũng khuyến cáo, khi có các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao, đau đầu, chảy máu cam, đau nhức cơ – xương – khớp, phát ban... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm
Nguyễn Thị Bé