13/12/2024
Trẻ chậm nói phát hiện và điều trị đúng cách
Ngôn ngữ là một công cụ thiết yếu để trẻ giao tiếp, tư duy và phát triển các kỹ năng xã hội. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng phát triển ngôn ngữ theo cùng một tốc độ và mức độ. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường giúp phụ huynh can thiệp kịp thời, hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa chỉ ra các dấu hiệu cảnh báo trong phát triển ngôn ngữ của trẻ:
Đối với trẻ dưới 1 tuổi có các dấu hiệu như không phát ra tiếng nói (kêu, ê a) khi đến 6 tháng, không cười hoặc không phản ứng khi nghe người khác nói chuyện. Trẻ từ 1-2 tuổi không bắt chước các âm thanh hoặc từ ngữ đơn giản mà người lớn nói, không hiểu hoặc không phản ứng với lời yêu cầu đơn giản, không thể sử dụng từ đơn như "ăn", "uống", "mama", "baba".
Trẻ từ 2-3 tuổi: Không thể chỉ vào đồ vật hoặc người khi được yêu cầu, khó khăn trong việc nhận diện các vật quen thuộc khi nghe tên gọi, sử dụng ít từ và khả năng giao tiếp hạn chế.
Trẻ từ 3-4 tuổi: Không thể nối các câu đơn lại với nhau thành câu phức tạp., không hiểu các câu hỏi đơn giản như “Ai là người này?” hoặc “Cái này là gì?”.
Trẻ từ 4-5 tuổi: Không biết cách tham gia vào các cuộc trò chuyện với bạn bè hoặc người lớn, gặp khó khăn trong việc kể lại câu chuyện hoặc mô tả sự việc đơn giản, không thể sử dụng các từ chỉ số lượng, thời gian, hoặc các từ chỉ hành động đơn giản.
Việc theo dõi sự phát triển ngôn ngữ của trẻ và can thiệp sớm khi có dấu hiệu bất thường là rất quan trọng, giúp trẻ có cơ hội phát triển tốt nhất về mặt ngôn ngữ và các kỹ năng khác.
Hiện nay, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau đã thành lập Phòng khám Âm ngữ trị liệu. Bất cứ khi nào quý phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự phát triển hay nhận ra dấu hiệu chậm trễ của trẻ so với các bạn cùng tuổi xung quanh hãy đưa bé đến Phòng khám để được bác sĩ khám và tư vấn ngay.
Ngọc Diễm