Thời gian qua, Đảng và nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đời sống và tinh thần của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em góp phần tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc có chất lượng về sức khoẻ, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em nâng cao tầm vóc người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bác sĩ Đinh Thị Nguyên, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đối tượng được Dự án hướng đến là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em là người dân tộc thiểu số; Cán bộ y tế tại tuyến huyện, xã, cộng tác viên dinh dưỡng, người chăm sóc trẻ. Dự án được triển khai trên địa bàn 05 xã khu vực III, cụ thể: xã Khánh Thuận, Khánh Lâm thuộc huyện U Minh; xã Ngọc Chánh, Thanh Tùng, Quách Phẩm Bắc thuộc huyện Đầm Dơi.
Theo hoạch định, Dự án khi đã triển khai sẽ tăng cường phổ biến kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số với một số hoạt động cụ thể như: Hoạt động “Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ - trẻ nhỏ lồng ghép trong chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số”.
Bên cạnh đó, thông qua Dự án lần này, sẽ góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ y tế/người cung cấp dịch vụ tại các tuyến về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Tư vấn/truyền thông về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu thông qua việc lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện; trạm y tế xã và cộng đồng. Cung cấp kiến thức về thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, theo dõi tăng trưởng, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, quản lý suy dinh dưỡng tại cộng đồng...
"Các hoạt động cung cấp sản phẩm để cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ bao gồm cả các trường hợp khẩn cấp, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh như: Cung cấp viên sắt cho phụ nữ mang thai. Cấp phát sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng đến 23 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng để bổ sung vào bữa bột/cháo. Phát hiện, điều trị và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại cộng đồng. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở ấp/khóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số... sẽ được các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ trong thời gian tới" bác sĩ Nguyên cho biết thêm.
Để Dự án đươc triển khai có hiệu quả,Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cần tăng tăng cường các hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em”. Thông qua việc khảo sát xác định mô hình, nội dung, hình thức truyền thông về sức khỏe bà mẹ, trẻ em phù hợp với bối cảnh văn hóa của các dân tộc. Xây dựng thí điểm mô hình truyền thông tại cộng đồng về sức khỏe bà mẹ, trẻ em thông qua cộng tác viên dinh dưỡng, người có uy tín. Tùy vào thời điểm cụ thể sẽ xem xét tổ chức phát động chiến dịch và triển khai Tuần lễ thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ; Tuần Lễ Làm mẹ an toàn tại tuyến cơ sở. Nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ các cấp bao gồm cán bộ y tế và ban, ngành, đoàn thể cấp cơ sở về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Theo lộ trình được phê duyệt, trong năm 2023, tỉnh Cà Mau phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể gầy còm dưới 6%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân dưới 10,4%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 19,6%; 70% phụ nữ có thai được cấp sản phẩm dinh dưỡng; 85% trẻ suy dinh dưỡng được cấp sản phẩm dinh dưỡng (bao gồm các trường hợp khẩn cấp, mất mùa, thiên tai, dịch bệnh…)...
"Cùng với đó, địa phương cũng đặt mục tiêu giảm tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi là 9.5%; 95% phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần/thai kỳ; 99% phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế; 97% phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh tại nhà 3 lần trong 42 ngày sau đẻ...Về công tác truyền thông thay đổi hành vi về SKBM-TE phấn đấu trên 80% phụ nữ có thai biết được ít nhất 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ có thai, sau sinh và nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. 95% xã khu vực III triển khai thực hiện tuần lễ làm mẹ an toàn. Trên 80% phụ nữ có thai tại xã khu vực III được tiếp cận ít nhất 1 loại tài liệu truyền thông về CSSK bà mẹ và trẻ em, bác sĩ Nguyên cho biết.