Theo các chuyên gia của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) cho biết, thông thường tình trạng ung thư chỉ xảy ra khi nào có sự phát triển bất thường của các tế bào một cách không kiểm soát được, sau đó thì các tế bào này sẽ tập hợp lại thành một khối u. Theo thời gian, các khối u bất thường đó sẽ tiếp tục có xu hướng di căn và xâm lấn sang các bộ phận khác trong cơ thể con người. Lúc này thì căn bệnh ung thư được xem như là đã hình thành.
Đến nay khoa học phát hiện và đã chứng minh cho thấy, có ít nhất khoảng 200 loại ung thư khác nhau được hình thành và phát triển trên tất cả các bộ phận cơ thể con người. Trong đó nhóm ung thư có tỷ lệ mắc nhiều nhất như: Ung thư gan, tuyến giáp, cổ tử cung (nữ), dạ dày, phổi và tuyến vú (phổ biến là nữ giới). Theo thông tin từ Tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau chia sẻ, phần lớn các bệnh lý ung thư ở giai đoạn đầu thường không có các triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Vì thế, việc phát hiện ung thư bằng các cảm nhận chủ quan hoặc bằng các biện pháp lâm sàng thông thường sẽ rất khó phát hiện. Để có thể phát hiện sớm và có giải pháp điều trị kịp thời, tốt nhất là nên chủ động trong tầm soát, thực hiện thăm khám định kỳ tại những nơi có chuyên khoa, có đủ điều kiện.
Nói về nguyên nhân chủ yếu có thể gây ra căn bệnh ung thư phổ biến hiện nay Tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết: “Ung thư có thể là do di truyền, do ảnh hưởng từ lối sống, do các chế độ ăn uống không hợp lý, do ít có chế độ vận động hoặc do tác động từ môi trường xung quanh. Trong đó, đối với những người có thói quan nghiện rượu, nghiện thuốc lá… chính là những đối tượng sẽ dễ mắc phải căn bệnh ung thư phối, gan và dạ dày nhất”.
Có thể nói, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư trong cộng đồng, thì việc chủ động phòng, tránh sẽ góp phần rất lớn đến hệ quả của căn bệnh nan y nguy hiểm này. Để phát hiện sớm căn bệnh ung thư, hiện nay khoa học đã có nhiều phương pháp để tầm soát có hiệu quả căn bệnh nan y này. Nhưng trong đó phương pháp sinh thiết đối với những tế bào có khối u nghi ngờ được xem là phổ biến nhất thuộc nhiều dạng ung thư khác nhau, với kết quả có độ chính xác cao. Ngoài ra, còn có các biện pháp khác như: xét nghiệm máu, xét nghiệm gen di truyền hoặc chẩn đoán bằng hình ảnh… Nhìn chung, hiện có rất nhiều phương pháp tầm soát có thể bao gồm cả những phương pháp không xâm lấn như: Chụp X - Quang, siêu âm cho đến các biện pháp xâm lấn khi cần thiết khác nhằm kết luận chính xác các dấu hiệu ung thư của bệnh nhân như nội soi dạ dày, nội soi đại trực tràng…
Giải pháp này chính là quá trình sàng lọc có sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, để có thể phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư hoặc tổn thương ung thư ở vào giai đoạn sớm đối với người khỏe mạnh, nhưng chưa có các triệu chứng về ung thư. Theo như các bác sĩ chuyên khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết, việc thực hiện tầm soát đối với người khỏe mạnh, là để kịp thời phát hiện những nguy cơ bất thường tiềm ẩn trong giai đoạn khơi mào. Bởi ở vào giai đoạn này, thì việc điều trị sẽ rất có hiệu quả và cũng ít tốn kém hơn nhiều cho bệnh nhân.
Một thống kê hết sức đáng báo động của Tổ chức Ung thư toàn cầu, chỉ tính riêng trong năm 2022, thế giới đã ghi nhận có gần 2,3 triệu ca mắc mới và đã có tới 666.000 trường hợp tử vong do chứng mắc ung thư vú, mà phần lớn là ở nữ giới. Trong đó, tại Việt Nam con số này là 24.000 ca mắc mới và có tới 10.000 ca tử vong mỗi năm, chiếm tới 1/3 tổng số ca ung thư ở phụ nữ. Điều nguy hiểm hơn, đối tượng nữ mắc ung thư tuyến vú cũng đang ngày càng trẻ hóa.
Các nhà khoa học đã phân loại ung thư ở từng giai đoạn khác nhau. Ví dụ: Giai đoạn 0, còn được gọi là ung thư tại chỗ (nội ống); giai đoạn tiếp theo là giai đoạn I. Đây là giai đoạn xâm lấn; giai đoạn III là giai đoạn ung thư đã tiến triển nặng hơn và giai đoạn IV là giai đoạn di căn. Ở mỗi giai đoạn, người ta sẽ phân loại ra từng giai đoạn nhỏ hơn để đánh giá mức độ xâm lấn và độ phát triển bất thường của khối u ác tính, từ đó mà có các liệu pháp chỉ định điều trị hợp lý.
Tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau kết luận: “Vì vậy, ở các trường hợp ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng, thông thường bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chuyên khoa khám lầm sàng và thực hiện một số chỉ định siêu âm, chụp X - Quang, xét nghiệm máu, làm các xét nghiệm sinh thiết để phát hiện bệnh. Do đó, nếu ung thư được tầm soát và phát hiện càng sớm, thì tỷ lệ thành công sẽ càng cao”.
Ung thư khi ở vào giai đoạn cuối, còn được gọi là giai đoạn “di căn”. Lúc này các tế bào ung thư đã lan xa so với khối u ban đầu và các hạch bạch huyết xung quanh, di căn đến xương, phối, gan và kể cả là não… Sau giai đoạn này, diễn biến của bệnh thường rất nhanh và thời gian sống của bệnh nhân cũng rất khó để tiên lượng chính xác được. Vì thế, khi phát hiện có bất cứ dấu hiệu nào bất thường trên cơ thể, người bệnh tốt nhất là nên đi tầm soát càng sớm càng tốt, vì nó sẽ có tác dụng trong việc phòng ngừa và điều trị có hiệu quả, trước khi tình trạng của căn bệnh trở nên phức tạp hơn.