image banner
MỐI NGUY HIỂM CỦA BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ mắc phải khá cao so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, lại rất ít người có kiến thức đầy đủ về mối nguy hiểm này.

 

Bác sĩ Trần Kiện Toàn, Bệnh viện Lao - Phổi tỉnh Cà Mau chia sẻ về sự nguy hiểm của căn bệnh chết người này: “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây giảm chức năng thông khí ở phổi. Người bệnh thường cảm thấy khó thở vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Bệnh nếu có thể được điều trị kịp thời, sẽ giúp làm chậm tiến triển khi được phát hiện ở giai đoạn sớm và sẽ tránh được các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh”.

 

Số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ Khoa phòng, chống bệnh không lây nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có tới 3.144 trường hợp mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang được quản lý, cấp thuốc và điều trị thường xuyên. Trong số đó, số phát hiện mới từ đầu năm 2023 đến nay là 1.646 trường hợp và chỉ tính riêng trong quý 3 năm nay, đã 422 trường hợp mắc mới.

Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thật ra, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên địa bàn toàn tỉnh thực tế còn cao hơn rất nhiều so với số liệu mà ngành chuyên môn đã thống kê được. Nguyên nhân là do nhiều người không có thói quen khám sức khỏe định kỳ, thậm chí cả với những trường hợp đã có xuất hiện dấu hiệu bệnh, nhưng người bệnh vẫn chủ quan không đi thăm khám”.

Các bác sĩ chuyên khoa về bệnh Lao - Phổi cho biết, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn cũng có khả năng trải qua các đợt cấp. Trong đó các biểu hiện trên có thể trở nên tồi tệ hơn so với sự thay đổi thông thường hằng ngày và kéo dài ít nhất vài ngày. Trong những trường hợp nặng có thể phải nhập viện, điều trị kháng sinh, thở máy hoặc sử dụng corticoid (một dạng thuốc xịt)… chức năng hô hấp giảm sút, thời gian sống còn bị rút ngắn lại. Khi xuất hiện các biểu hiện ở giai đoạn ban đầu, người bệnh thường chủ quan cho rằng những cơn ho, khạc đờm là bệnh bình thường. Từ đó, không có các can thiệp kịp thời, dẫn đến căn bệnh tiếp tục tiến triển nặng lên đến khi xuất hiện triệu chứng khó thở liên tục. Ban đầu, tình trạng khó thở thường chỉ xuất hiện khi gắng sức, càng về sau cơn khó thở càng xuất hiện thường xuyên hơn và đến giai đoạn cuối cùng thì người bệnh cảm thấy hết sức khó thở, ngay cả khi đang nghỉ ngơi trên giường.

Bà Lý Kim Chi, 59 tuổi, ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình mắc phải căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ nhiều năm nay cho biết: “Ban đầu tôi chỉ cảm thấy tức ngực, khó thở hoặc có lúc hơi thở nghe khò khè. Rồi thỉnh thoảng ho có đờm kéo dài, sốt nhẹ và hay bị ớn lạnh… nhưng do chủ quan cứ nghĩ là do phải thường xuyên đi ruộng, đi vuông gặp mưa nắng nhiều, nên bị cảm lạnh. Nhưng đến khi bệnh tình càng trở nên nặng hơn, như: Sụt giảm cân, sưng phù cả hai bàn chân và ở cả mắt cá chân nên người nhà đã đưa tôi đi khám ở Bệnh viện của tỉnh, các bác sĩ ở đây cho biết là tôi đã bị nhiễm trùng đường hô hấp nặng…”.

Hầu hết các đối tượng có nguy cơ cao khi mắc phải căn bệnh nguy hiểm chết người này, như: Thợ mỏ, công nhân xây dựng, thợ dệt, công nhân làm việc tại các xưởng luyện kim, nông dân… là những người thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố kích thích phế quản dẫn tới nguy cơ cao mắc bệnh. Các yếu tố gây bệnh bao gồm: Khí độc, xi măng, các sản phẩm than đá, bụi silic, các chất kích thích sử dụng trong nông nghiệp, khói thuốc lá và nhất là những người có thói quen hút thuốc lá.

Biện pháp phòng ngừa vẫn là bỏ thuốc lá và tránh xa các chất kích thích. Vì hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kể cả những người hút thuốc thụ động. Theo một số nghiên cứu, những người hút thuốc có nguy cơ mắc COPD cao hơn 10 lần so với những người không hút thuốc. Có tới 80 - 90% bệnh nhân COPD hút thuốc và gần 50% người hút thuốc lâu năm bị COPD. Cần tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Bởi bụi bẩn, phấn hoa, lông thú, khói nhiên liệu… cũng là những tác nhân khiến các triệu chứng COPD dễ tái phát. Chú ý giữ ấm khi thời tiết thay đổi. Khi thời tiết trở lạnh, trở gió, hãy che miệng, mũi cẩn thận khi ra ngoài. Tránh tình trạng nhiễm trùng hô hấp vì yếu tố này rất nguy hiểm đối với những người bị COPD, do nó ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và đường hô hấp. Chế độ ăn uống cần phải đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay.

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 252
  • Trong tuần: 4 508
  • Tất cả: 853427

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com