19/10/2020
PHỐI HỢP CỦA GIA ĐÌNH TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH TÂM THẦN
Bệnh nhân tâm thần sau khi được điều trị ổn
định tại các cơ sở y tế, tiếp theo đó là cần sự phối hợp tốt từ phía gia đình để
bệnh nhân tiếp tục được chăm sóc và phục hồi chức năng tại nhà, có như vậy thì
bệnh tâm thần mới có thể sớm hồi phục hòa nhập với cộng đồng.
Theo ước tính, hiện nay tỉnh có khoảng 5.000 người
mắc bệnh tâm thần phân liệt, 3.500 người mắc bệnh động kinh, khoảng 10.000 người
mắc bệnh trầm cảm. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn mắc các rối loạn tâm thần
như: nghiện rượu, rối loạn tâm thần ở người lớn tuổi, lo âu, loạn thần do sử dụng
ma túy và các chất gây nghiện khác. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp
thời, bệnh sẽ trở nặng và làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Y sĩ Nguyễn Thanh
Dân, Phòng khám Đa khoa khu vực Tắc Vân, thành phố Cà Mau cho biết: “Hiện nay
Phòng khám Đa khoa Tắc Vân đang quản lý 18 bệnh nhân tâm thần và 112 bệnh nhân
động kinh. Hàng tháng bệnh nhân đến trạm được khám và cấp thuốc uống, nếu bệnh
ôn định thì sẽ giảm liều lượng thuốc. Ngoài ra, chúng tôi còn đến gia đình bệnh
nhân tuyên truyền, nhắc nhở việc điều trị tại gia đình như: cho bệnh nhân uống
thuốc đều, chỉ cho người nhà cách phục hồi chức năng”.
Đối với
những trường hợp bệnh tâm thần được phát hiện sớm sẽ được quản lý, cấp thuốc điều
trị tại gia đình. Hàng tháng cán bộ y tế các ấp sẽ đến từng hộ gia đình giám
sát chặt chẽ quá trình điều trị. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương
đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tâm thầm, tầm
quan trọng của gia đình trong việc chăm sóc điều trị cho người bệnh tại nhà. Bà Nguyễn Bé Tám, cộng tác viên y tế ấp
1, xã Tắc Vân, thành phố Cà Mau, cho biết: “Khi gia đình bệnh nhân gặp khó khăn
hoặc người thân không quan tâm chăm sóc, do đó dẫn tới bệnh nhân nặng thêm. Khi
mình đến gia đình tuyên truyền thì người nhà cũng hiểu và làm theo. Hiện nay,
những bệnh nhân đang quản lý trên địa bàn ấp điều trị rất tốt, nhiều bệnh nhân
đã tái hòa nhập với cộng đồng”.
Bệnh
tâm thần là bệnh mạn tính và rất dễ tái phát, để phát hiện và can thiệp sớm gia
đình cần phải theo dõi để nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Phối hợp tốt trong
suốt quá trình điều trị tại cơ sở y tế và tiếp tục theo dõi chăm sóc điều trị tại
nhà, nếu bệnh tái phát cần đưa ngay đến cơ sở y tế để tiếp tục điều trị. Bác sĩ
Hồng Hữu Hạnh, trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, thông tin: “Sau
khi xuất viện thì chúng tôi cũng dặn dò người nhà tiếp tục thực hiện tốt quá
trình điều trị tại nhà. Đồng thời, hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu của bệnh
tái phát để đưa bệnh nhân đến cơ sở điều trị kịp thời”. Bác sĩ Đặng Văn Trường,
trưởng khoa Tâm thần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, chia sẽ: “Mỗi ấp
đều có từ 01 đến 02 cộng tác viên y tế, nhiệm vụ của cộng tác viên là đến từng
hộ gia đình đôn đốc, nhắc nhở gia đình thường xuyên quan tâm chăm sóc cho người
bệnh, cho uống thuốc đều đặn đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hướng dẫn gia đình
phục hồi một số chức năng cơ bản khi bệnh nhân đã được điều trị ổn định”.
Chăm sóc và điều trị cho người bệnh tâm thần
là một quá trình lâu dài, trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự quan tâm chăm
sóc từ những người thân trong gia đình. Vì vậy, gia đình cần phải hiểu biết về
bệnh tâm thần, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh. Tạo mọi điều kiện để người bệnh
tham gia hoạt động hàng ngày, tham gia hoạt động giải trí, thể dục, thể thao. Đặc
biệt, là chăm sóc về tâm lý để phục hồi chức năng tâm lý xã hội.
Minh Khang