image banner
Phòng tránh bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính phổ biến hiện nay. Số ca mắc bệnh ĐTĐ ngày càng tăng và có dấu hiệu “trẻ hóa”. Đáng lo ngại hơn khi bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Dương Thị Tú, TTYT huyện Cái Nước cho biết: Bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, gây tàn phế và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn. Chính điều này sẽ làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Hiện nay, hiểu biết của người dân về căn bệnh này còn nhiều hạn chế.

Bệnh ĐTĐ khiến cho cơ thể bệnh nhân không tự chuyển hóa tinh bột đường từ thực phẩm tiêu thụ hàng ngày để tạo ra năng lượng. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tích tụ đường trong máu và khi chỉ số đường huyết luôn ở mức cao sẽ dễ dẫn tới các bệnh lý về tim mạch, cũng như làm tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể như mắt, thận, thần kinh, da,...

Trên thực tế, nếu phát hiện và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ sẽ có giá trị rất lớn trong việc điều trị bệnh và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Một số yếu tố ảnh hưởng tới hàm lượng đường trong máu của người bệnh bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ; chế độ ăn uống thiếu khoa học; gia đình có người thân mắc bệnh ĐTĐ; tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu. Bên cạnh đó, ít vận động, tập luyện thể dục thể thao thì nguy cơ bị tiểu đường sẽ càng cao. Ngoài ra, phụ nữ khi bị mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường có các biểu hiện như béo phì, rậm lông, chu kỳ kinh nguyệt không đều và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mẹ bầu thừa cân, tiền sử gia đình bị tiểu đường, rối loạn dung nạp glucose cũng làm gia tăng rủi ro đái tháo đường. Tình trạng rối loạn giấc ngủ ở một số người bị ngưng thở khi ngủ hay tính chất công việc thay đổi ca đêm hoặc ca ngày cũng khiến cho chất lượng giấc ngủ kém. Những vấn đề liên quan đến giấc ngủ cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ đái tháo đường…, bác sĩ Tú thông tin thêm.

Cách phòng tránh bệnh tiểu đường còn phụ thuộc vào loại tiểu đường mà bệnh nhân gặp phải. Có 2 thể chính là ĐTĐ tuýp 1 thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Triệu chứng của ĐTĐ tuýp 1 thường xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh nên dễ dàng được phát hiện; ĐTĐ tuýp 2 phổ biến hơn và hay gặp nhất là ở những người tuổi trên 40. Bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần, khó phát hiện sớm do triệu chứng thường không bộc lộ rõ ràng.

Bên cạnh 2 thể chính nêu trên, ĐTĐ còn gặp ở phụ nữ mang thai. Mặc dù bệnh sẽ chấm dứt sau khi người mẹ sinh con trong vòng 6 tuần, nhưng cần phải được kiểm soát tốt trong suốt thời gian mang thai để không gây ra biến chứng cho cả mẹ và bé. Đồng thời, sau khi sinh con xong, người mẹ cũng nên có một chế độ ăn uống lành mạnh để bệnh không tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2.

anh tin bai

Hiện nay, vẫn chưa tìm ra cách phòng tránh bệnh ĐTĐ tuýp 1. Tuy nhiên, người bệnh có thể hạn chế nguy cơ bệnh có thể tiến triển thành ĐTĐ tuýp 2 bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện thể dục thể thao một cách lành mạnh, khoa học hơn.

Người bệnh cần cắt giảm lượng tinh bột, đường, chất ngọt trong thực phẩm và thay bằng chất đạm có trong cá, trứng, thịt… Hạn chế muối, tránh ăn mặn, bánh kẹo và nước ngọt có gas. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia. Ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám. Ăn ít cơm trắng và khi ăn nên nhai kỹ, chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày.

Song song đó, mỗi ngày nên dành ra ít nhất từ 30 - 45 phút đi bộ hoặc tập luyện một bộ môn thể thao phù hợp. Sau khi ăn nên nghỉ ngơi từ 30 - 45 phút, sau đó đi bộ thư giãn tầm 15 - 20 phút để tránh việc đường huyết gia tăng quá cao sau khi ăn xong. Đối với những người làm công việc văn phòng, nếu làm ở tầng thấp nên hạn chế dùng thang máy mà hãy luyện thể lực bằng cách đi cầu thang bộ, tránh ngồi yên một chỗ quá lâu. Nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng xung quanh khu vực làm việc khoảng 1 tiếng/lần. Đặc biệt, nên khám kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Để có sức khỏe tốt, mỗi người cần phải biết được các yếu tố nguy cơ mắc bệnh để loại bỏ các yếu tố nguy cơ từ sớm. Đồng thời thực hiện các hành vi sức khỏe, lối sống lành mạnh trong đó chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực hàng ngày và áp dụng các biện pháp y tế sớm để giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do bệnh gây ra. Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ và tình trạng tiền ĐTĐ nếu có. Bởi, ĐTĐ là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm, tránh các biến chứng của bệnh gây ra.

 

Trúc Dương
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 76
  • Trong tuần: 5 128
  • Tất cả: 851107

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com