Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.
Phục hồi sau đột quỵ ở mỗi người là khác nhau, một số người có thể phục hồi hoàn toàn trong khi những người khác sẽ bị khuyết tật nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Phục hồi nhanh nhất xảy ra trong vòng 30 ngày đầu tiên sau đột quỵ. Hậu quả cụ thể trên một người sống sót sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào vị trí và phạm vi của đột quỵ và việc người đó đã được điều trị nhanh như thế nào. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái có thể ảnh hưởng đến giao tiếp và trí nhớ, cũng như vận động ở phần cơ thể bên phải. Đột quỵ xảy ra ở bán cầu não phải có thể ảnh hưởng đến các khả năng không gian và nhận thức, cũng như vận động ở phần cơ thể bên trái.
Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm. Một số bệnh nhân có thể gặp một số vấn đề thị giác, không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi. Khó khăn trong giao tiếp, mất ngôn ngữ bao gồm gặp vấn đề khi nói, hiểu, đọc và viết. Rối loạn cảm xúc, biểu hiện không kiểm soát, không lý giải được của hành động khóc, tức giận hoặc cười mà có thể ít có liên hệ đến trạng thái cảm xúc hiện tại của bệnh nhân. Những biểu hiện này thường đến và đi nhanh chóng và có thể giảm dần theo thời gian. Ngoài ra, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu (đặc biệt là về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác) và trầm cảm không phải là hiếm gặp sau đột quỵ, và có thể có nguyên nhân sinh lý và tâm lý. Các khả năng hành vi, ghi nhớ, giao tiếp và thể chất đều có thể bị ảnh hưởng bởi đột quỵ. Do đó, việc chăm sóc một người bị đột quỵ là thử thách...
Trước tiên, khi một người trong gia đình phải nhập viện lần đầu tiên ngay sau khi bị đột quỵ, gia đình nên cung cấp thông tin về tiền sử và triệu chứng của bệnh nhân, kiểm tra việc điều trị, trao đổi về các lựa chọn chăm sóc bệnh nhân và nhìn chung đóng vai trò kết nối giữa nhân viên bệnh viện và bệnh nhân.
Khi quá trình điều trị tiến triển, người nhà có thể tham gia vào việc lựa chọn cơ sở phục hồi chức năng, phối hợp các dịch vụ chăm sóc tại nhà, cung cấp vận chuyển, giữ nhà và nấu ăn và giao tiếp với các bác sĩ và nhân viên phục hồi chức năng.
Thời gian sau, người nhà có thể phải đối phó với sự trầm cảm của bệnh nhân, do đó người nhà cần nhẹ nhàng, động viên. Thực hiện kết hợp nhu cầu chăm sóc thể chất tại nhà với các liệu pháp nghề nghiệp, lời nói hoặc thể chất, hỗ trợ giao tiếp nếu bệnh nhân bị suy giảm khả năng giao tiếp và cung cấp sự khuyến khích về tâm lý và xã hội.
Phục hồi chức năng có thể là một quá trình lâu dài với tiến triển chậm chạp và đôi khi thất thường, quá trình phục hồi của mỗi người đều khác nhau. Trong khi hồi phục, hãy cố gắng tập trung vào khả năng của bệnh nhân hơn là hạn chế của họ, và khuyến khích họ mỗi khi có tiến bộ, dù lớn hay nhỏ.
Bên cạnh đó, người nhà hãy chuẩn bị tâm lý, chăm sóc cho bệnh nhân trong thời gian dài. Do đó, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân cần chú ý đến sức khỏe của bản thân và tránh bất kỳ căng thẳng nào có thể ảnh hưởng đến mình. Để tránh kiệt sức về việc chăm sóc, hãy cố gắng ngủ đủ, ăn uống lành mạnh, chú ý đến nhu cầu y tế của bản thân và tập luyện khi có thể. Quan trọng hơn hết là sự quan tâm, chăm sóc của người thân cùng bệnh nhân đột quỵ vượt qua thử thách.