13/09/2023
PHÒNG BỆNH TAY CHÂN MIỆNG ĐẦU NĂM HỌC MỚI
Do bệnh tay chân miệng lây lan nhanh, nhất là nhóm trẻ trong trường mầm mon, mẫu giáo, trường tiểu học, đặc biệt tại Cà Mau đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với chủng vi rút EV71, đây là vi rút gây ra bệnh nặng và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, ngay khi bước vào đầu năm học mới ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các điểm trường chủ động các bệnh pháp phòng, chống dịch.
Trước khi bước vào năm học mới Trung tâm Y tế đã phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Cà Mau đến kiểm tra các điểm trường về công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Đối với công tác phòng chống bệnh tay miệng, Trung tâm Y tế đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn cho tất cả điểm trường trên địa bàn, hướng dẫn giáo viên sử dụng hóa chất để vệ sinh đồ chơi cho trẻ và hướng dẫn nhà trường bố trí khu vệ sinh tay cho trẻ. Bác sĩ Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Cà Mau nói “Chúng tôi phối hợp với Phòng giáo dục và Đào tạo thành phố Cà Mau tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các điểm trường dùng hóa chất vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hàng tuần. Hướng dẫn giáo viên giám sát các dấu hiệu để nhận biết trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi nhận trẻ để phối hợp với y tế có hướng xử lý ổ dịch và cách ly, điều trị”. Bà Nguyễn T$ Hồng Yến, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bông Hồng, phường 5, thành phố Cà Mau cho biết “Sau khi được cán bộ y tế phụ hóa chất khử khuẩn thì chúng tôi phân công giáo viên tổng vệ sinh lớp học. Trường bố trí khu vực rửa tay trước khi đón trẻ vào lớp, đồng thời phối hợp chặt chẽ với phụ huynh tuyên truyền về công tác phòng bệnh”.

Trung tâm Y tế tại các huyện cũng đã triển khai khẩn trương các biện pháp phòng, chống bệnh trong trường học. Tăng cường công tác phối hợp giữa cán bộ y tế, giáo viên và phụ huynh để tuyên truyền, giám sát phát hiện trẻ mắc bệnh và xử lý ổ dịch. Nhiều năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh trong nhà trường đạt kết quả quan trọng, tỷ lệ trẻ bệnh tay chân miệng trong nhà trường là rất thấp. Ông Nguyễn Minh Thức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn nói “Những năm qua nhà trường chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Phối hợp với Trạm y tế thị trấn và Trung tâm y tế huyện tổ chức các đợt tuyên truyền trong buổi chào cờ đầu tuần, qua đó nâng cao kiến thức phòng bệnh cho giáo viên và học sinh”. Năm 2023 số các mắc bệnh tay chân miệng với chủng vi rút gây bệnh nặng gia tăng ở một số tỉnh, thành. Tại Cà Mau, qua kết quả xét nghiệm, đầu tháng 7/2023 tỉnh đã ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với chủng Enterovirus 71 (EV71), đây là chủng vi rút gây ra bệnh nặng, nguy cơ tử vong rất rất cao. Dự báo tình hình dịch bệnh tay chân miệng sẽ còn diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan nhanh trong thời gian tới, đặc biệt là trong các trường mầm non, mẫu giáo. Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó trưởng Trạm y tế phường 5, TP Cà Mau cho biết “Đầu năm học thì chúng tôi đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, ngoài phòng bệnh thì chúng tôi chú trọng việc phát hiện sớm ca mắc bệnh để cách ly, điều trị kịp thời hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nặng”.
Để phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng hiệu quả, bên cạnh các giải pháp giữa ngành y tế và nhà trường thì vai trò của các bậc phụ huynh là rất quan trọng. Phụ huynh cần tăng cường các biện phòng bệnh cho trẻ tại nhà và theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ để phát hiện sớm những dấu hiệu trẻ mắc bệnh, đồng thời thông báo cho nhà trường và cán bộ y tế để cách ly điều trị, tránh trường hợp bệnh nặng.
Minh Khang