image banner
PHÒNG, NGỪA BỆNH RĂNG MIỆNG CHO TRẺ
Hiện nay tỷ lệ trẻ em trong cộng đồng bị bệnh sâu răng đang có chiều hướng gia tăng đáng kể. Qua khảo sát thực tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho thấy,  có đến 80% trẻ 4 - 8 tuổi trên địa bàn tỉnh bị sâu răng và có hơn 90% các bé được chăm sóc răng miệng không đúng cách.

Đây là một thực trạng hết sức đáng báo đông. Bởi răng hàm (răng nhai), có vai trò vô cùng quan trọng trong việc ăn nhai và ổn định khớp cắn. Nó không những có tác dụng trong việc nghiền nát thức ăn và giúp hạn chế được tình trạng đau dạ dày, mà nó còn giúp làm cho trẻ ăn có cảm giác ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn, góp phần đảm bảo sức khỏe rất nhiều của trẻ trong quá trình trưởng thành. Riêng đối với răng cửa cũng như những chiếc răng khác trong cung hàm, sẽ giúp đảm bảo chức năng như nhai, phát âm và đặc biệt liên quan rất nhiều đến vấn đề thẩm mỹ.

 

Bác sĩ Lâm Quốc Khánh, Trưởng Khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết: “Mỗi chiếc răng dù ở vị trí nào trên cung hàm cũng đều có vai trò quan trọng và có tác dụng nâng đỡ những răng còn lại. Đặc biệt răng nhai đóng góp quan trọng trong việc ăn nhai hằng ngày. Mất răng nhai sẽ gây khó khăn trong quá trình ăn uống và ảnh hưởng đến thẩm mỹ khuôn mặt của trẻ”.

 

 Trình trạng bị sâu răng từ nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tâm lý giao tiếp của trẻ mà còn gây nhiều bất lợi cho các bé khi trưởng thành. Do đó, nếu việc chăm sóc răng cho trẻ không đúng cách, sẽ có ảnh hưởng rất lớn sức khỏe của trẻ không những hiện tại, mà ngay cả sau này khi bé đã trưởng thành, hậu quả cũng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn chưa ý thức đầy đủ về ý nghĩa của việc phải chăm sóc răng miệng ở trẻ, với suy nghĩ con còn nhỏ, chưa cần đánh răng hằng ngày. Trong khi việc đánh răng hằng ngày, chính là thói quen mà bất cứ trẻ nhỏ nào cũng phải được cha mẹ yêu cầu thực hiện nhằm giúp các bé bảo vệ răng miệng của mình được tốt hơn. Song, nếu quá trình đánh răng không đúng cách, cũng có thể khiến cho vi khuẩn phát triển và tấn công vào răng, nướu và làm cho mòn lớp men bảo vệ răng của trẻ.

 

Theo các bác sĩ chuyên khoa về răng hàm mặt, thì chính lượng đường dư thừa trong thức ăn hằng ngày và vi khuẩn trong miệng của trẻ là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ bị sâu răng. Khi kết hợp với nhau, chúng sẽ tạo thành mảng bám trên răng. Nếu không chải răng kỹ lưỡng mỗi ngày, vi khuẩn trong mảng bám sẽ tiết ra axit có hại, phá hủy men răng và làm sâu răng, đồng thời lâu ngày sẽ tạo thành vôi răng (cao răng) gây viêm nướu (đỏ, sưng và chảy máu nướu), bệnh nha chu và thậm chí mất răng nếu không được chữa trị kịp thời.

 

Chị Trần Mộng Nghi, ở khóm 10 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời khi đưa bé gái 8 tuổi (con của chị), đến thăm khám tại một phòng nha khoa trên địa bàn. Chị được các bác sĩ nha khoa ở đây cho biết, tình trạng răng hàm của bé bị hư tổn rất nhiều, buộc phải nhổ để tránh hư tổn đến những chiếc răng còn lại. Chị Nghi cho biết thêm: “Hằng ngày khi đi học, con tôi thường ra trước cổng trường mua các loại bánh kẹo, nước uống có đường đóng chai để ăn, uống. Đã vậy, buổi tối cháu cũng ít chịu vệ sinh răng. Lâu ngày, nên răng của con tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng đến như vậy”.  

 

Vậy, việc chăm sóc răng như thế nào để có thể phòng ngừa sâu răng cho trẻ. Theo bác sĩ Lâm Quốc Khánh, Trưởng Khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, thì tùy theo từng độ tuổi của trẻ, cha mẹ cần có cách chăm sóc cho phù hợp. Có thể kiểm soát mảng bám để phòng ngừa sâu răng, vì vậy cha mẹ cần chọn loại bàn chải lông mềm để giảm khả năng gây tổn thương lợi, tăng khả năng làm sạch vùng kẽ. Chú ý nên chọn loại nhỏ vừa vặn gồm các bó sợi nilon mềm. Nên chọn bàn chải có màu sắc và họa tiết sinh động theo ý thích của trẻ, để trẻ có thêm động lực vệ sinh răng miệng của mình.

 

Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng ngừa sâu răng hiệu quả cho trẻ. Cho nên các bậc cha mẹ cần thiết phải bổ sung cho trẻ đầy đủ các loại vitamin A, C, D... để giúp răng trẻ phát triển khỏe mạnh. Khuyến khích trẻ ăn nhiều chất xơ, vì những sợi xơ cùng với nước bọt sẽ giúp làm sạch các mảnh vụn thức ăn thừa trong kẽ răng.

 

Giải pháp tốt nhất là nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt để thăm khám răng định kì mỗi năm 2 lần, nhằm kiểm tra sức khỏe răng miệng cho trẻ nhỏ. Nếu phát hiện có vấn đề về sâu răng sẽ được các bác sĩ nha khoa xử trí sớm và hiệu quả đạt được cũng sẽ cao hơn.

 

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 383
  • Trong tuần: 4 358
  • Tất cả: 854915

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com