image banner
Nhiều thách thức trong điều trị HIV/AIDS
Hiện tại tỉnh đang điều trị cho 1.772 bệnh nhân HIV/AIDS và hơn 200 bệnh nhân điều trị bằng thuốc Methadone. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhu cầu của bệnh nhân được chăm sóc, điều trị còn rất lớn trong khi nguồn lực tại Cà Mau còn hạn chế đã tác động lớn đến chiến lượt phòng chống HIV/AIDS tại địa phương.
anh tin bai

          Thời gian qua, nhằm tăng cường phòng chống tác hại của HIV/AIDS trong cộng đồng, ngành Y tế Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, đáng ghi nhận là mô hình toàn dân phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư. Tăng cường cao điểm các hoạt động Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông làm thay đổi hành vi đối xử, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS. Phối hợp chặt chẽ các đơn vị Y tế trên địa bàn và các ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Duy trì hoạt động phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV tại trung tâm y tế. Tiếp tục thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy cho các đối tượng nguy cơ. Tiếp tục triển khai hoạt động Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS. Duy trì hoạt động các nhóm đồng đẳng viên ma túy, mại dâm trên địa bàn huyện.

         Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, dịch HIV/AIDS tại Cà Mau còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ và xu hướng quay trở lại. HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe cộng đồng, vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số lũy tích HIV+ tiếp tục tăng cao, trên 3000 người nhiễm đang cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm vẫn có trên 300 HIV+ mới và trên 500 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội.

         Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm đồng giới (MSM) tăng rất nhanh trong những năm gần đây với tỷ lệ nhiễm cấp cao. Tại một số huyện, số lượng người nhiễm HIV được phát hiện hàng năm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực huyện ven biển. Dịch HIV/AIDS đang có nguy cơ và xu hướng quay trở lại nếu không có được quan tâm đầu tư thỏa đáng để triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.  Cùng với đó, công tác phòng chống và điều trị vẫn còn nhiều khó khăn.

         Bà Trương Kim Út, Phó trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: Sự tiếp cận đến các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của đối tượng nguy cơ cao còn hạn chế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có 05 cơ sở ngoại trú điều trị HIV/AIDS (4 bệnh viện và 1 trại giam). Đặc thù riêng của bệnh nhân HIV/AIDS là phải chăm sóc và điều trị suốt đời, hiện tại tỉnh đang điều trị cho 1.772 bệnh nhân HIV/AIDS và hơn 200 bệnh nhân điều trị bằng thuốc Methadone. Tuy nhiên nhu cầu của bệnh nhân được chăm sóc, điều trị còn rất lớn trong khi nhân lực hầu hết phải làm việc kiêm nhiệm, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đang ngày một cắt giảm gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

         Cùng với đó, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã được củng cố, kiện toàn nhưng vẫn luôn có sự thay đổi về nhân sự; năng lực về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của cán bộ tham gia chương trình tuyến huyện và tuyến xã, phường còn hạn chế, chưa có cán bộ chuyên trách thực sự cho tuyến huyện.

         Về kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh giai đoạn 2015-2020 phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ quốc tế. Trong những năm gần đây, nguồn kinh phí viện trợ chủ yếu từ Dự án Quỹ toàn cầu, các nguồn tài chính trong tỉnh chưa đáp ứng đủ tài chính cho các dòng hoạt động chủ chốt, nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nếu Dự án ngừng hỗ trợ. BHYT đã tham gia chi trả cho công tác điều trị HIV/AIDS, nhưng các hoạt động thuộc lĩnh vực xét nghiệm, truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV,  giám sát dịch HIV/AIDS chủ yếu vẫn dựa vào viện trợ, chưa có cơ chế tài chính trong tỉnh bền vững cho những lĩnh vực này.

          Liên quan đến hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Cà Mau, vừa qua Tổ chức Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) có chuyến làm việc tại Cà Mau. Trong khuôn khổ mở rộng Dự án hỗ trợ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027, AHF có kế hoạch hỗ trợ chương trình xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS tại Cà Mau trong thời gian tới.

          Ông Kiều Thanh Bình - Điều phối Chăm sóc và điều trị, AHF Việt Nam cho biết: Mục tiêu chung của Dự án sẽ hướng đến việc đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, góp phần chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.

          Cụ thể tại Cà Mau, Dự án được triển khai sẽ hỗ trợ cho địa phương nhiều hoạt động quan trọng. Trong đó hỗ trợ dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và điều trị ARV tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau, Bệnh viện đa khoa thành phố Cà Mau và Trại giam Cái Tàu nhằm tăng cường phát hiện ca nhiễm HIV mới chuyển điều trị ARV; Hỗ trợ khám bệnh định kỳ cho bệnh nhân và theo dõi tình trạng sức khỏe của người bệnh, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và điều trị dự phòng cho bệnh nhân tại phòng khám của Bệnh viện đa khoa Cà Mau, Bệnh viện đa khoa thành phố Cà Mau và Trại giam Cái Tàu;  Triển khai các chiến dịch phát bao cao su và xét nghiệm HIV lưu động miễn phí tại cộng đồng...

          Tại chuyến làm việc, sau khi khảo sát thực tế tại các đơn vị gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cà Mau, Trại Giam Cái Tàu đoàn đã ghi nhận những khó khăn chung của các đơn vị nhất là trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh tại phòng khám còn thiếu, chưa đảm bảo được yêu cầu khám chữa bệnh. Nguồn thuốc ARV từ ngân sách nhà nước chưa có để dự trù cho những đối tượng phơi nhiễm như: Nhân viên y tế, công an, quản lý trại giam... Thuốc nhiễm trùng cơ hội còn thiếu. Xét nghiệm CD4 và tải lượng vi rút chưa thực hiện được. Số bệnh nhân mới tham gia điều trị chưa có BHYT đa phần là đối tượng nghèo, khó khăn, người có BHYT thì không có tiền đồng chi trả. Chế độ phụ cấp cho nhân viên phục vụ công tác khám còn thấp....

          Từ thực tế của địa phương, đoàn công tác cho rằng khi dự án được triển khai tại Cà Mau sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm, khám chữa bệnh, lưu trữ số liệu, quản lý bệnh nhân trên phần mềm...  

Kim Hoài
Video truyền thông
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
  • Phóng chống tác hại của thuốc lá
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 155
  • Trong tuần: 5 258
  • Tất cả: 831144

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com