Tại Cà Mau, dịch vụ PrEP được khởi động từ năm 2020, với 02 cơ sở cung cấp dịch vụ. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, đến nay đã có nhiều khách hàng đến để tư vấn và sử dụng dịch vụ, góp phần hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Cán bộ tư vấn dịch vụ PrEP và thành viên nhóm hỗ trợ cộng đồng tìm giải pháp tiếp cận khách hàng
Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: Cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su… cho các đối tượng có nguy cơ cao. Từ năm 2020, tỉnh Cà Mau được Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS hỗ trợ triển khai dịch vụ PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm). Nhờ đó mà công tác phòng chống HIV/AIDS tại Cà Mau những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để làm được điều này, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có sự đóng góp lớn của các tổ chức cộng đồng, đặc biệt nhóm hỗ trợ cộng đồng hay còn có tên gọi là nhóm (CBO).
Thạc sĩ Lê Thùy Diệu, Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cán bộ tư vấn dịch vụ PrEP cho biết “Nhóm hỗ trợ cộng đồng là những người người đồng tính, song tính, người nhiễm HIV, phụ nữ bán dâm, các tình nguyện viên... Hiện nay có 56 người trong nhóm hỗ trợ cộng đồng, những người này được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ Dự án. Chiến lược của nhóm hỗ trợ cộng đồng là thực hiện truyền thông về các biện pháp dự phòng HIV, cung cấp vật phẩm miễn phí như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm… theo nhóm nhỏ; tư vấn xét nghiệm HIV, cung cấp dịch vụ PrEP, tư vấn trực tiếp cho người có nguy cơ, kết nối điều trị HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục”.
Người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ tổn thương bao gồm: những người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới. Đây là nhóm dễ bị kỳ thị phân biệt đối xử nên hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn so với các tổ chức cộng đồng. Do đó, nhóm hỗ trợ cộng đồng có vai trò rất quan trọng, vì họ là những người hiểu rõ nhất những vấn đề khó khăn hay tâm lý, tình cảm của người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, nhóm hỗ trợ cộng đồng còn có được niềm tin của người tiêm chích ma túy, bởi nhiều người trong số họ hoặc người thân của họ cũng đã từng tiêm chích ma túy. Việc sử dụng ma túy ở Việt Nam bị xã hội lên án nên khó để người tiêm chích ma túy bộc lộ việc làm của mình với người xa lạ hay không tin tưởng. Hơn nữa, bản thân mỗi người trong nhóm hỗ trợ cộng đồng đều có mong muốn được đóng góp, được làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội và giúp đỡ những người bạn nên họ có cam kết mạnh mẽ trong các hành động của mình. Nhờ hoạt động của nhóm hỗ trợ cộng đồng mà những người có nguy cơ nhiễm HIV đã hiểu là tham gia sử dụng dịch vụ PrEP nhiều hơn. Trong năm 2023, có 280 người sử dụng dịch vụ PrEP, từ đầu năm 2024 đến nay có 274 người đang sử dụng dịch vụ. Anh Đổ Đăng Khoa, nhóm hỗ trợ cộng đồng cho biết “Thông qua ứng dụng hẹn hò trên điện thoại, chúng tôi sẽ tìm đến các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIVnhư: Nam quan hệ đồng giới, người tiêm chích ma túy, người có bạn tình nhiễm HIV…Tiếp theo đăng bài quản bá dịch vụ PrEP, từ đó các đối tượng này biết là liên hệ với tôi nhờ tư vấn. Qua quá trình tư vấn, các đối tượng này tin tưởng và đến cơ sở để sử dụng dịch vụ”.
Những năm gần đây, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại nước ta hiện nay. Dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới. Do đó, Ngành Y tế tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là sự tham gia của nhóm hỗ trợ cộng đồng (CBO) là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ PrEP, nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tại Cà Mau có 02 cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP gồm:
1. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau
- Địa chỉ: Số 8, đường Danh Thị Tươi, khóm 8, phường 5, TP Cà Mau
- Số điện thoại tư vấn: 0941.179.379 hoặc 0949.606.151
2. Trung tâm Y tế thành phố Cà Mau
- Địa chỉ: Số 16, đường Hoàng Diệu, khóm 3, phường 2, thành phố Cà Mau.
- Số điện thoại tư vấn: 0913.102.401