image banner
Tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 4 về số ca mắc mới và thứ 6 về số ca tử vong do ung thư ở nữ giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên.

Ung thư cổ tử cung là loại bệnh mà tế bào ung thư thường xuất phát từ vùng chuyển tiếp nơi tiếp nối tế bào biểu mô vẩy và tế bào biểu mô trụ của cổ tử cung. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung. Điều này nhiều khả năng tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh cũng có nguy cơ gây tử vong khi ở giai đoạn cuối.

Có đến 99,7 % ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của vi rút HPV. Trong đó, các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, sinh nhiều con, vệ sinh sinh dục không đúng cách, viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục... Không phải ai bị HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung nhưng ngược lại, có đến 95% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện thấy vi rút HPV.

Nếu không có các can thiệp sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư cổ tử cung thì tỉ lệ mắc mới và chết do ung thư cổ tử cung sẽ gia tăng. Hiện nay, biện pháp tiêm phòng vắc xin HPV được coi là một hoạt động quan trọng trong phòng ngừa ung thư cổ tử cung, bác sĩ Dương Kim Ngân, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau cho biết.

Tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV là biện pháp dự phòng chủ động áp dụng cho những đối tượng khỏe mạnh, chưa có tổn thương tiền ung thư cổ tử cung. So với việc sàng lọc để chờ tổn thương xuất hiện và điều trị sớm, thì dự phòng bằng vắc xin để ngăn lây nhiễm vi rút từ sớm có hiệu quả cao và tích cực hơn. Bên cạnh đó, số lần can thiệp về phụ khoa đối với người đã tiêm ngừa sẽ thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm ngừa. Cụ thể như số lần soi cổ tử cung hoặc số lần sinh thiết cũng giảm đáng kể. Điều này có thể giúp người tiêm tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại và đem lại sự ổn định về tâm lý.

Vắc xin phòng HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi từ 9 đến 26. Vắc xin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm phòng trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định 3 liều, liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu một tháng và liều 3 cách liều 2 tối thiểu 3 tháng.

Bác sĩ Dương Kim Ngân, khuyến cáo: Để phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung, cùng với tiêm phòng vi rút HPV, chị em cũng cần đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sĩ. Phương pháp sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Lê Kim
Video truyền thông
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
  • Phóng chống tác hại của thuốc lá
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 785
  • Trong tuần: 5 888
  • Tất cả: 831774

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com