Với sự phát triển công nghệ thông tin như hiện nay,
hình thức bán hàng online đã và đang là xu thế. Người dùng lựa chọn hình thức
này với ưu điểm là có nhiều địa chỉ để lựa chọn, được ship hàng tận nơi, hạn
chế đi lại,...
Nắm bắt
cơ hội, kinh doanh thuốc cũng đang dần "lấn sân" vào thị trường
online. Hiện nay chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một cái máy tính bảng
và chỉ cần một thao tác đơn giản là có thể tìm và mua nhiều loại thuốc khác
nhau. Từ thuốc điều trị các bệnh lý đơn giản, đến thuốc đặc trị các bệnh nan y.
Thậm chí những loại bệnh thầm kín, khó nói cũng có thể giải quyết qua môi
trường mạng.
Và cứ
thế, ở bất kỳ nơi đâu, cũng có thể tìm ra một trang wed cung cấp nhiều loại
thuốc chữa bệnh. Cùng với đó là những lời quảng cáo "có cánh", còn
chất lượng khó mà kiểm chứng được.
Để minh
chứng cho sự phong phú của thị trường bán thuốc online, bất cứ ai cũng có thể, chỉ
cần gõ từ khoá "thuốc trị bệnh Guot" trên Google, không cần chờ đợi
lâu là có ngay hơn 1 triệu kết quả. Từ việc quảng cáo thuốc, tư vấn điều trị và
bán thuốc. Gõ từ khoá tương tự trên mạng xã hội Facebook là có ngay hàng trăm
kết quả với nhiều hội, nhóm. Mỗi trang dù có tên gọi khác nhau nhưng hình thức
chung vẫn là bán thuốc. Từ thuốc tây y, đông y đến các loại thực phẩm chức năng
đều được bày bán một các rầm rộ trên môi trường mạng. Cùng với đó là những lời
quảng cáo "lên đến tận mây" là không thể thiếu.
Nếu một
ai đã từng xem các chương trình trên kênh Youtube đều cảm thấy ngán ngẩm bởi
thời lượng chương trình mình cần xem thì khá hạn chế mà xen vào đó là dày đặt
các chương trình quảng cáo thuốc. Từ thuốc tây y, đông y đến các với phương
pháp gia truyền điều trị nhiều loại bệnh khác nhau ngay tại nhà như: sỏi thận,
sỏi mật và sỏi tiết niệu; thoát khỏi mề đay, mẩn ngứa; diệt khối u 99 - 100%,
trị ung thư hiệu quả... thậm chí các quảng cáo còn chắc như "đinh đóng
cột" là điều trị không khỏi hoàn lại tiền...
Đối với một số người xem cảm thấy khá phiền
đối với cách quảng cáo như thế này. Tuy nhiên, đối với nhiều người đang có bệnh
trong mình thì xem đây như một cứu cánh, bởi quan niệm "có bệnh thì vái tứ
phương", nhưng không biết rằng đó là sự đùa giỡn với sinh mạng của mình.
Bà Phan
Kiều H, ấp 3, xã Thới Bình, huyện Thới Bình cho biết mình cũng đã từng nhờ một người cháu tìm mua thuốc trên
mạng. Nhưng kết quả thì không giống như những gì mong đợi.
Theo
lời kể của bà H, thì bà bị đau khớp gối từ nhiều năm nay, vì điều kiện gia đình
khó khăn nên cũng không đến cơ sở y tế khám và điều trị. Mỗi khi cơn đau hoành
hành bà tự tìm đến các tiệm thuốc tây gần nhà đều mua thuốc giảm đau.
"Một
hôm nghe đứa cháu nói lên mạng xã hội Facebook có người bán thuốc chữa đau khớp
hay lắm. Tôi xem thì thấy có nhiều người bình luận là đã dùng và hết. Tôi liền
lập tức kêu đứa cháu đặt mua một hộp với giá hơn 600 ngàn đồng, sử dụng được
trong một tháng", bà H chia sẻ.
Những
tưởng đã tìm ra được loại thuốc tốt mà giá cả phải chăng chữa bệnh đau khớp của
mình. Thế nhưng qua hơn một tháng sử dụng, bệnh tình không hề giảm. Cơn đau
liên tiếp kéo đến, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bà.
Vì
không chịu nổi cơn đâu nên bà đã đến một phòng khám tại p8 thành phố Cà Mau
kiểm tra. Các bác sĩ tại đây cho biết bà bị đau do khớp gối thiếu chất nhờn.
Thuốc bà mua trên mạng và sử dụng hơn tháng qua không có tác dụng điều trị loại
bệnh này.
Tin vào
lời quảng cáo "chữa khỏi luôn, khỏi ngay, không hết không lấy tiền"
ông Nguyễn Đức Ng (phường 8, thành phố Cà Mau) tìm và đặc mua 3 lọ thuốc trị
bệnh Gout trên mạng. Sản phẩm nhận được khiến ổng cảm thấy rất lo ngại và không
giám sử dụng.
Ông Ng
cho biết: Trước khi mua ông rất yên tâm vì được tư vấn tận tình, người tư vấn
nói những lời nghe rất bùi tai và thuyết phục. Đồng thời cam kết đây là thuốc
ngoại nhập rất hiệu quả. Để thực hiện giao dịch ông phải chuyển tiền trước với
số tiền hơn 2 triệu đồng/3 hộp thuốc. Vì bị căn bệnh Gout hoành hành, ông đã
quyết định mua và dùng thử xem sao. Hơn 3 ngày sau, khi ông nhận được hàng, sản
phẩm khiến ông rất bàng hoàng. Vì chỉ đựng trong những hộp nhựa thô sơ, không nhãn
mát, không thành phần thuốc. Với loại thuốc ấy ông hoàn toàn không dám sử dụng.
Để có
thể hiểu hơn về những mặt hàng thuốc bán qua mạng, sau một hồi tìm kiếm trên
mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã tìm được tài khoản tên “T.G.H” – chủ nhân của những lời rao bán thuốc gia
truyền. Ngoài dòng trạng thái mà “T.G.H” đăng tin bán thuốc, thì chủ tài khoản
này còn đăng kèm theo mặt hàng mình bán là những đoạn tin nhắn đã giao dịch với
các khách hàng trước. Và đương nhiên không gì lạ là những lời tân bóc, của các
khách đối với các bài thuốc đã sử dụng từ "T.G.H".
Sau khi
được tư vấn "miễn phí" chúng tôi đã quyết định mua 3 thang thuốc trị
bệnh rối loạn tiền đình với giá hơn 200 ngàn đồng. Theo như lời của "tư vấn
viên", thì đây là thuốc gia truyền được bào chế từ những loại thảo dược
quý hiếm. Ai bị rối loạn tiền đình chỉ cần sử dụng khoảng 6 thang là khỏi hẳn.
Ngoài ra sẽ nhận thấy hiệu quả rõ rệch từ 3 thang đầu.
Hơn 3
ngày chờ đợi, chúng tôi nhận được sản phẩm. Các thang thuốc chỉ được gói thô sơ
trong những tờ báo cũ, phía ngoài sản phẩm chỉ ghi vài dòng từ bút lông là
"thuốc trị rối loạn tiền đình, ngày uống 2 lần".
Mang
những thang thuốc ấy đến kiểm chứng tại một Phòng thuốc Đông y có tiếng tại
phường 2 thành phố Cà Mau, tôi mới biết đây chỉ là thuốc trị suy nhược cơ thể
được pha trộn từ những cây thuốc đơn giản, có thể tìm gặp bất cứ đâu. Ở phòng
khám cũng có sản phẩm tương tự, giá trị hơn 20 ngàn đồng/1 thang.
Thế mới
biết, bán thuốc trên môi trường mạng phức tạp đến mức độ nào, thật giả lẫn lộn.
Điểm chung là dùng những lời "có cánh" để "câu" khách hàng.
Thế nhưng, rất khó biết chính xác ai là người bán và việc quảng cáo đó có được
cấp phép hay không? Hay chỉ là chiêu trò lừa đảo, vi phạm pháp luật nhằm trục
lợi cho cá nhân hay một nhóm người nào đó.
Luật Dược năm 2016, đã quy định thuốc là
loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy
thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã, phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu,
thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện,
phải được cơ quan y tế thẩm định, kiểm tra, phải đạt thực hành tốt tiêu chuẩn
bán lẻ thuốc (GPP). Trong đó, mỗi nhà thuốc bắt buộc phải có dược sĩ phụ trách
chuyên môn có chứng chỉ hành nghề dược, có nhân viên bán thuốc, có cơ sở vật
chất, trang thiết bị và quy trình để bảo đảm các hoạt động chuyên môn...
Nhằm tránh "tiền
mất tật mang" ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên tìm mua các loại
thuốc trên mạng. Khi có những bất ổn về tình trạng sức khoẻ nên đến các cơ sở
khám chữa bệnh để được thăm, khám và có cách điều trị phù hợp với tình trạng
sức khoẻ của bản thân.