04/07/2025
Kiểm soát và quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19
Bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành trên toàn thế giới, có xu hướng gia tăng, bùng phát tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian gần đây đã ghi nhận các trường hợp rải rác COVID-19 tại một số địa phương, không ghi nhận các ổ dịch tập trung. Để kiểm soát hiệu quả, bền vững COVID-19 trên toàn tỉnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Sở Y tế Cà Mau đã xây dựng Phương án để kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Phương án tập trong một số công tác trọng tâm như: Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh thế giới, trong nước và khu vực để kịp thời tham mưu các biện pháp đáp ứng phù hợp khi số ca mắc gia tăng hoặc xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm. Nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, viêm đường hô hấp cấp tính nặng, giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP) và các tác nhân lây truyền qua đường hô hấp khác. Kết hợp giữa giám sát theo chỉ số và giám sát dựa vào sự kiện, giữa giám sát cộng đồng và giám sát tại cơ sở y tế. Giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút. Thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên lấy mẫu các ca bệnh đầu tiên đối với những nơi có nhiều người nghi ngờ mắc bệnh để xác định ổ dịch, phục vụ đánh giá nguy cơ. Lấy mẫu xét nghiệm sớm đối với những trường hợp bệnh viêm đường hô hấp nặng hoặc người có triệu chứng nghi ngờ thuộc nhóm nguy cơ cao mắc bệnh nặng. Thực hiện đánh giá nguy cơ thường xuyên để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và triển khai ngay các đáp ứng trong phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ. Huy động cộng đồng tham gia phòng, chống dịch một cách chủ động và có tổ chức, nhằm phát huy vai trò tự quản, tự phòng bệnh tại hộ gia đình, tổ nhân dân tự quản, tổ COVID cộng đồng. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng để liên lạc khi có ca bệnh xảy ra tại cộng đồng.

Công tác điều trị cần cập nhật mô hình “Trạm Y tế lưu động” khi số ca tăng cao hoặc địa bàn khó tiếp cận, để tăng khả năng tiếp cận y tế ban đầu. Khuyến khích cơ sở khám chữa bệnh thiết lập phòng khám sàng lọc riêng biệt cho bệnh nhân có triệu chứng hô hấp. Đảm bảo năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh 4 thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...). Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19. Tổ chức phổ biến về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới.
Đa dạng các hình thức truyền thông, từ các phương thức truyền thống như qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí, truyền thông qua loa, mít tinh, diễu hành đến các hình thức dựa trên nền tảng số như các mạng xã hội facebook, zalo,..nhằm mục đích tăng khả năng tiếp cận với các nhóm đối tượng khác nhau. Truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để cộng đồng hiểu và biết cách tự phòng bệnh. Khuyến khích thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như: Thông điệp 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi. Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc. Khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.
Minh Khang