image banner
DINH DƯỠNG HỢP LÝ TRONG DỰ PHÒNG COVID-19
COVID-19 là bệnh do vi rút gây ra, lây lan rất nhanh trong cộng đồng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thới giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì lối sống tích cực, đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng ngừa dịch bệnh. 

Bác sĩ Đinh Thị Nguyên, Trưởng Khoa Dinh dưỡng- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết: Dinh dưỡng trong phòng chống COVID-19 chính là dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, theo bệnh mạn tính hiện đang mắc). Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa COVID-19.

          Trước tiên, cần tuân thủ nguyên tắc đa dạng thực phẩm trong bữa ăn. Thực hiện thói quen duy trì 03 bữa chính trong ngày (bữa sáng, bữa trưa, bữa tối). Tuy nhiên, một số người còn bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Thói quen này, khiến cho cơ thể thiếu năng lượng cho các hoạt động, dẫn đến mệt mỏi, hệ miễn dịch suy giảm, dễ mắc bệnh. Do đó, cần thực hiện đủ 03 bữa chính, không bỏ bữa, có thể ăn thêm 1-3 bữa phụ gồm các thực phẩm có lợi như: sữa, sữa chua, hoa quả...

          Cung cấp đủ nước cho cơ thể. Trung bình cơ thể hàng ngày cần khoảng 2 - 2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp. Nhu cầu này phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động thể lực. Cần uống nước sạch (đun sôi hoặc đã tiệt trùng), uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, ngay cả khi không khát, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ, không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế rượu bia.

          Bên cạnh, cần đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Tăng cường các thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch: Protein (chất đạm), Omega 3 (acid béo không no thiết yếu); vitamin, selen, sắt và kẽm..., bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

          Protein là thành phần nền tảng cơ bản, cấu tạo nên các tế bào và các mô của cơ thể (trong đó có các tế bào miễn dịch và các kháng thể), tham gia các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Thiếu protein, sẽ bị ức chế việc hình thành kháng thể, dẫn đến lượng kháng thể giảm, khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus có hại cho cơ thể giảm.

          Vitamin (vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D) có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, thúc đẩy sự phát triển các cơ quan miễn dịch... Đồng thời có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hoá. Việc sản xuất các kháng thể trên bề mặt niêm mạc có tác dụng trong việc chống lại sự tấn công của vi rút gây bệnh.

          Việc cung cấp vitamin D có vai trò quan trọng, có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Vì vậy, da cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15-30 phút mỗi ngày, tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá và các thực phẩm được bổ sung vitamin D (các loại sữa, ngũ cốc)...

          Nguyên tố vi lượng selen là một chất chống oxy hóa mạnh. Đủ lượng selen sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn cung cấp selen là các loại thực phẩm như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, cá, tôm, rong biển…

          Sắt và kẽm giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Các loại thịt gia cầm và các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua, sò... là nguồn cung cấp kẽm vô cùng phong phú. Bên cạnh đó, gan động vật và thịt nạc cũng rất giàu sắt, cơ thể có thể dễ dàng hấp thu.

          Omega 3 là 1 loại acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm: dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt...

          Các loại thực phẩm có các loại vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotic) như các loại sữa chua, một số loại phô mai,... có tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

          Việc lựa chọn thực phẩm có các chất dinh dưỡng phù hợp, tỷ lệ cân đối  giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tạo nhiều yếu tố miễn dịch để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể con người với virus gây bệnh có vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị COVID-19. Đối với người mắc bệnh cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý theo sự tư vấn của bác sĩ, cán bộ dinh dưỡng. bác sĩ Nguyên khuyến cáo.

Kim Hoài
Video truyền thông
  • PHÒNG BỆNH SỐT RÉT QUAY TRỞ LẠI
  • DẤU ẤN CÔNG TÁC Y TẾ VIỆT NAM 2024
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 20.12.2024
  • KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH SỞI
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 66
  • Trong tuần: 5 111
  • Tất cả: 1078796

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com