image banner
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Sữa mẹ giàu dinh dưỡng và kháng thể tự nhiên mà không một loại dinh dưỡng nào có được. Vì vậy, nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Nuôi con bằng sữa mẹ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích duy trì ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Và để giúp trẻ hấp thu nguồn sữa mẹ tốt nhất, các bà mẹ cần phải có phương pháp nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đúng cách.

Các thành phần có trong sữa mẹ

Bác sĩ Dương Thị Tú, Trưởng khoa Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, TTYT huyện Cái Nước cho biết: Nguồn sữa mẹ được giữ ở nhiệt độ khoảng 37oC nên rất phù hợp với thân nhiệt của trẻ. Bên cạnh đó, sữa mẹ cung cấp một số thành phần như đạm Whey chiếm 60%, đây là những acid amin cần thiết cho sự phát triển tối ưu của trẻ. Trong sữa mẹ còn chứa các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA (có nhiều nhất trong sữa non). IgA không hấp thu mà ở lại trong lòng ruột, nên tác dụng đối kháng với một số vi khuẩn như E.coli và virut trong ruột. Chính vì vậy, những trẻ được bú mẹ ít bị tiêu chảy và các viêm nhiễm đường ruột, khả năng miễn dịch cao. Trong sữa mẹ có lactoferin, một protein gắn với chất sắt, sự gắn kết này làm cho một số vi khuẩn có hại không phát triển được. Chất lysozym, một loại men trong sữa mẹ cao hơn sữa bò hàng ngàn lần có tác dụng tiêu diệt một số vi khuẩn có hại và nhiều loại vi rút khác.

Sữa mẹ dễ tiêu hóa nhờ có nhiều đạm Whey nên sau khi trẻ bú 2 tiếng, 4/5 lượng sữa đã được tiêu hóa, trẻ sẽ lên cân tốt. Sữa mẹ giúp bé hấp thu canxi tốt nhất, vì vậy phát triển hệ xương của trẻ tốt hơn. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có 130 loại chất xơ khác nhau nên trẻ bú mẹ rất hiếm khi bị táo bón, trẻ sẽ không khó chịu, ít quấy khóc và bú nhiều hơn. Lượng đạm (protein) và các muối khoáng như clorua, canxi có trong sữa mẹ nhiều gấp 3 lần sữa bò, đặc biệt trong sữa non lượng đạm rất cao, rất quan trọng đối với dinh dưỡng và sự miễn dịch của trẻ sơ sinh.

Trong hai tuần lễ đầu sau sinh, sữa mẹ chứa 4.000 bạch cầu trong 1ml sữa mẹ, những bạch cầu này tiết ra IgA, lactoferin, lysozym và interferon, những chất này sẽ ức chế hoạt động của một số vi rút. Do đó trong thời gian bú mẹ, trẻ ít bị tiêu chảy cũng như các bệnh khác. Sữa mẹ còn có yếu tố bifidus, một chất carbohydrat có chứa nitơ là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng của vi khuẩn lactobacillus bifidus có vai trò biến một vài loại lactoza trong sữa thành acid lactic nên ngăn được sự tăng trưởng của vi khuẩn và ký sinh trùng có hại làm cho phân của trẻ có mùi chua khác với phân của trẻ ăn sữa bò.

Lợi ích khi trẻ được bú sữa mẹ

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ là mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất, bởi sữa mẹ có sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa vitamin, protein và chất béo. Đây là nguồn dinh dưỡng lý tưởng để cung cấp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, sữa mẹ rất dễ tiêu hóa sẽ giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, nhất là trong giai đoạn sơ sinh hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện. Sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại vi rút và vi khuẩn. Vì thế, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng ở trẻ. Ngoài ra, trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không kèm theo sữa công thức sẽ ít bị nhiễm trùng tai, bệnh hô hấp và tiêu chảy hơn.

Đặc biệt, việc cho con bú sữa mẹ còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, giúp tăng cân lành mạnh và tránh được nguy cơ thừa cân, béo phì. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có khả năng bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật bao gồm: Viêm tai giữa, bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, vi rút, nhiễm tụ cầu, strep và e coli.

Ngoài ra, sữa mẹ còn giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não của trẻ. Mẹ cho con bú sẽ tạo ra sự gần gũi về thể chất, bao gồm việc tiếp xúc da thịt và giao tiếp bằng mắt. Điều này giúp tạo ra sự gắn kết, khiến trẻ gần gũi với mẹ hơn và mang đến cảm giác an tâm hơn cho trẻ.

Theo khuyến cáo của WHO, tất cả trẻ nhỏ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn, kết hợp cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba, bác sĩ Tú thông tin thêm.

Huyền Trân
Video truyền thông
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
  • NHẬN BIẾT SỚM BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT ĐỂ ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ
  • THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 44
  • Trong tuần: 4 304
  • Tất cả: 970024

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com