image banner
DINH DƯỠNG KHI MẮC TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, tiểu đường thai kỳ “là tình trạng rối loạn dung nạp Glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu trong lúc mang thai”. Khi bị tiểu đường thai kỳ là khi cơ thể không sản xuất đủ insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng nên lượng đường trong máu tăng cao và gây ra các biến chứng. Tình trạng này thường không biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.

Tiểu đường thai kỳ (gestational) là bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai ở khoảng tuần thứ 24. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng đường (glucose) của các tế bào trong cơ thể và là nguyên nhân gây ra lượng đường cao trong máu, điều này không tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Bác sĩ Dương Kim Ngân, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau cho biết: Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý không còn xa lạ với các mẹ bầu. Tỷ lệ tiểu đường thai kỳ chiếm khoảng 12% số phụ nữ mang thai, mẹ bầu cần làm xét nghiệm đường máu mao mạch lúc đói ở tuần thai 24 – 28. Khi đường máu mao mạch cao hơn bình thường cần làm nghiệm pháp tăng đường máu lúc đói. Và cần có những tư vấn cụ thể của các bác sỹ chuyên khoa. Tuy nhiên với những mẹ đã có tiền sử tiểu đường trước khi mang thai sẽ được xét nghiệm sớm hơn.

Những đối tượng dễ bị mắc tiểu đường thai kỳ gồm: Những người thừa cân, béo phì, tiền sử sinh con trên 4kg; Người có tiền sử bất thường về dung nạp glucose; Người tuổi cao > 35 tuổi; Người có tiền sử sản khoa bất thường (thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sinh non, thai dị tật…).

Tiểu đường thai kỳ không biểu hiện ra các triệu chứng rõ ràng, do đó, trong quá trình mang thai người mẹ nên thường xuyên đi khám và theo dõi thai kỳ thường xuyên và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Một trong những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ như thường xuyên khát nước, hay thức dậy giữa đêm để uống nước; Đi tiểu nhiều lần với lượng nhiều; Nếu chẳng may bị thương ngoài da sẽ rất lâu lành; Vùng kín bị nhiễm nấm, dùng thuốc điều trị nấm không hết; Sụt cân, mệt mỏi, thiếu sức sống. Khi có các dấu hiệu này, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ ngay để có biện pháp điều trị thích hợp.

Chị D.S.N.D. 35 tuổi, ngụ phường 8, thành phố Cà Mau chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi mang thai nên còn nhiều bỡ ngỡ trong việc bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý, nhất là việc ăn ngọt trong thai kỳ. Rất may, qua xét nghiệm tiểu đường thai kỳ vừa rồi tôi không mắc bệnh. Tuy nhiên cần phải điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế tinh bột và đồ ăn ngọt. Bởi, bác sĩ cho biết, khi mắc bệnh sẽ có những sẽ xảy ra nguy cơ tiền sản giật, thai lưu, tăng tỷ lệ đẻ non, đẻ khó, nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường với mẹ và bé khi mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Đối với bé sẽ gây ra thai to, vàng da, hạ đường huyết, nguy cơ tiểu đường và béo phì...

Chính vì vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh cho mẹ và sự phát triển toàn diện cho bé, trong suốt hành trình mang thai người mẹ cần thăm khám bác sĩ thường xuyên. Đặc biệt là những mẹ bầu lớn tuổi, mang thai lần đầu thì cần phải theo dõi sát sao hơn. Ngoài việc tham khám và theo dõi thai kỳ, chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai đóng vai trò quan trọng, chi phối sự phát triển của bé ngay từ trong bụng mẹ. Nhất là khi mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ thì bên cạnh sự chỉ định điều trị của bác sĩ tùy vào mức độ nặng nhẹ, các mẹ bầu hoàn toàn có thể hạn chế tình trạng tiểu đường thai kỳ nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý mỗi ngày. Trong đó, điều quan trọng đầu tiên là phải hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột như cơm, bánh ngọt, bánh mì, kẹo, đường, nước ngọt, các loại chè… đây là những thực phẩm chứa Carbonhydrates đơn giản sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao.

Cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ để giúp hệ tiêu hóa của mẹ bầu tốt hơn. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ có trong các loại đậu, yến mạch, lúa mạch, trái cây và bơ; ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, trái cây, rau xanh… Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần cắt giảm thực phẩm chứa chất béo bão hòa có nhiều trong động vật, nên sử dụng các chất béo có trong thực vật như dầu hạt cải, dầu oliu, hướng dương… Thực hiện chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để hạn chế lượng đường trong máu tăng cao bất ngờ và có đủ thời gian cho cơ thể sản xuất insulin. Mẹ bầu nên ăn từ 5 - 6 bữa mỗi ngày, thay vì chỉ có 3 bữa như ngày thường. Mẹ bầu không nên bỏ bữa đặc biệt là bữa sáng để lượng đường trong máu được ổn định.

Bác sĩ Ngân khuyến cáo các mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ đúng chuyên khoa, làm các xét nghiệm đường máu. Trường hợp mẹ bầu có chỉ số đường máu mao mạch cao, để có thể biết mình cần phải nhập viện hay không, mẹ bầu nên nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa sản. Song song đó, để kiểm soát tốt sự tăng cân trong thai kỳ và phòng tránh hiệu quả tiểu đường thai kỳ cũng như giúp bé phát triển tối đa, chế độ ăn của mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thực phẩm lành mạnh. Chế độ dinh dưỡng hợp lý được hiểu là chế độ ăn có đảm bảo nguyên tắc đủ về lượng và đúng về chất các nhóm thực phẩm, đảm bảo đủ và cân đối 4 nhóm chất thiết yếu. 

Mai Thanh
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 233
  • Trong tuần: 4 698
  • Tất cả: 849152

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com