image banner
Suy dinh dưỡng bào thai

Để phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai, các bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý trong suốt thai kỳ

Nếu trẻ sinh đủ tháng mà cân nặng lúc sinh dưới 2,5kg thì khả năng cao là trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ. Trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, dù ở mức độ nào cũng đều bị tổn hại đến sự phát triển lâu dài về sau, bác sĩ Dương Thị Tú, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước cho biết.
Trẻ bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ sẽ gặp phải nhiều cản trở lớn trong quá trình phát triển, nguy cơ sinh non, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh và chậm phát triển của trẻ cũng cao hơn bình thường rất nhiều.
Có 3 mức độ suy dinh dưỡng bào thai: Đối với loại nhẹ, trẻ có chiều dài bình thường và cân nặng giảm ít so với trẻ có cân nặng và tuổi thai tương ứng. Loại trung bình, trẻ có chiều dài và cân nặng giảm, vòng đầu bình thường. Với loại nặng, trẻ có vòng đầu, chiều dài và cân nặng đều giảm.
Nguyên nhân bị suy dinh dưỡng bào thai là do trong thời gian mang thai người mẹ không được ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, làm việc nhiều hay bị bệnh. Trong đó, dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng nhiều đến bào thai. Bởi, dinh dưỡng trong cơ thể của mẹ theo máu, qua nhau thai để nuôi dưỡng thai nhi. Thai suy dinh dưỡng là hiện tượng cơ thể mẹ bị thiếu hụt dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất khi mang thai. Đây là nguyên nhân lớn khiến cho em bé bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ. Do đó, chế độ dinh dưỡng khi mang thai không phải chỉ cần số lượng, mà còn phải đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Thai phụ cần bổ sung đầy đủ các chất bột, chất đạm như thịt, trứng, đậu, tôm, cá… Những chất này sẽ xây dựng các tổ chức cơ quan cho trẻ như hệ thống não thần kinh trung ương, tim, gan, phổi, bộ máy tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn và tiết niệu...
Để phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai, các bà mẹ ở cuối thai kỳ có mức tăng cân thấp, dưới 6kg cần có một chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý. Ăn đủ chất, ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt ăn nhiều trái cây tươi, rau củ, hạt, thực phẩm giàu protein; bổ sung các thức ăn có giàu đạm, canxi như tôm, cua, trứng, sữa. Bên cạnh đó, dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi và thư giãn, sẽ giúp cơ thể hồi phục năng lượng, phòng tránh được các loại bệnh tật; đi khám thai theo định kỳ, tránh bị stress sẽ giúp một phần giảm thiểu tỷ lệ bé bị suy dinh dưỡng thiếu cân, bác sĩ Tú khuyến cáo thêm.
Với trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ là rất quan trọng. Các bà mẹ cần ủ ấm, tiếp xúc da kề da và cho trẻ nằm cạnh mẹ ngay sau khi sinh. Thường xuyên theo dõi cơ thể trẻ, để phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi trẻ bị hạ thân nhiệt, hạ đường máu, hay hạ canxi máu. Quan trọng nhất là cho trẻ bú ngay trong nửa giờ đầu tiên sau khi sinh và trẻ phải được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để trẻ có cân nặng bình thường.
Đặc biệt, các bà mẹ không tự ý bổ sung các loại men tiêu hóa, hoặc các vi chất khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Thai phụ có thể gặp các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ, đảm bảo bé không có khả năng mắc suy dinh dưỡng bào thai.
Chăm sóc dinh dưỡng khi mang thai đóng vai trò then chốt trong việc phòng tránh suy dinh dưỡng bào thai ở trẻ sơ sinh. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển toàn diện về trí não và thể chất của trẻ. Chính vì vậy, để chủ động phòng tránh và khắc phục suy dinh dưỡng bào thai, các bà mẹ khi mang thai cần ưu tiên nghỉ ngơi, hạn chế bị stress, bổ sung dinh dưỡng hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của thai kỳ, cân nặng lý tưởng trong suốt thai kỳ cho bà mẹ từ 10-12kg...

Mai Thanh
Video truyền thông
  • CHỦ ĐỘNG PHÒNG HIV BẰNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
  • TẠP CHÍ Y HỌC SỨC KHỎE 6.6.2025
  • KHUYẾN CÁO CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH COVID-19
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 9.5.2025
  • TẠP CHÍ YHSK 11.4.2025
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 13
  • Hôm nay: 818
  • Trong tuần: 8 045
  • Tất cả: 1222681

Mạng xã hội

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau 

Đơn vị chủ quản: Sở Y tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ: Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com