image banner
Suy dinh dưỡng trẻ em: Nguyên nhân và biện pháp khắc phục
  Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng bao gồm thiếu năng lượng, protein, lipid và các vi chất dinh dưỡng. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi.

       Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới có khoảng 500 triệu trẻ em bị thiếu dinh dưỡng ở các nước đang phát triển gây nên 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Và bệnh suy dinh dưỡng góp phần vào 55% tỉ lệ tử vong của trẻ em toàn cầu. Ở Việt Nam, theo điều tra về tình hình suy dinh dưỡng ở trẻ em các tỉnh phía Nam của Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998, phân loại dựa vào cân nặng và chiều cao cho thấy: 24% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 6 tháng, 47% ở trẻ dưới 5 tuổi và 70% ở trẻ dưới 15 tuổi.

          Suy dinh dưỡng ở trẻ em thường gây chậm tăng trưởng và hạn chế khả năng hoạt động thể lực. Ở mức độ nặng hơn suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, trí thông minh, khả năng giao tiếp và tăng khả năng mắc nhiều bệnh tật cho trẻ. Đánh giá một trẻ suy dinh dưỡng dựa vào các chỉ số: cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi, cân nặng theo chiều cao.

Nguyên nhân suy dinh dưỡng hầu hết xuất phát từ ngoại cảnh như hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, thói quen ăn uống và sinh hoạt gây nên. Suy dinh dưỡng thường là hậu quả của các vấn đề sau:

   Bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng của các dưỡng chất: Đây là nguyên nhân phổ biến gây suy dinh dưỡng ở các nước chậm phát triển.

   Khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do các bệnh lý đường tiêu hóa hoặc sau một đợt bệnh nặng, người bệnh cảm thấy không ngon miệng, không muốn ăn mặc dù được cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Các bệnh lý nhiễm trùng tại đường tiêu hóa, hoặc việc phải sử dụng nhóm thuốc kháng sinh làm mất cân bằng giữa lượng vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột cũng làm giảm khả năng hấp thu.

    Vấn đề sức khỏe tâm thần: nhiều rối loạn tâm thần kinh ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người bệnh như trầm cảm, chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn ói và các rối loạn ăn uống khác. Nguyên nhân này cũng có thể gặp phải ở trẻ em. Khi bi gia đình ép buộc ăn uống quá mức, trẻ dễ có tâm lý sợ hãi sinh ra những nỗi ám ảnh về thức ăn, dần dần sẽ dẫn tới bệnh chán ăn và gây ra suy dinh dưỡng.

    Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ và cho ăn dặm quá sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời có thể dẫn tới suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Quan niệm cho trẻ bú sữa công thức tốt hơn sữa mẹ là không đúng đắn. Những người mẹ suy dinh dưỡng hoặc không biết cách cho con bú cũng là những nguyên nhân gián tiếp gây suy dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh.

    Các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ em khác nhau theo từng mức độ và từng thể suy dinh dưỡng. Có nhiều cách phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ em.

   Thông thường, suy dinh dưỡng ở trẻ được chia làm 3 loại: suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể gầy còm.

   Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: khi cân nặng của trẻ thấp hơn mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị cân nặng theo tuổi của trẻ nằm dưới đường biểu diễn -2SD

    Suy dinh dưỡng thể thấp còi: khi chiều cao của trẻ thấp mức tiêu chuẩn của những trẻ cùng trong một độ tuổi và cùng giới tính. Giá trị chiều cao theo tuổi của trẻ nằm dưới đường biểu diễn -2SD. Đây là thể suy dinh dưỡng mãn tính, biểu hiện thấp còi trên lâm sàng là hậu quả của một quá trình suy dinh dưỡng kéo dài trong những năm đầu đời, có khi bắt đầu sớm từ tình trạng suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ.

   Suy dinh dưỡng thể gầy còm: khi cân nặng theo chiều cao của trẻ thấp hơn mức chuẩn của những trẻ cùng giới tính, tức là nằm dưới mức -2SD. Lúc này, cơ và mỡ bị teo đi nhiều. Đây là thể suy dinh dưỡng cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn.

    Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ cần áp dụng các biện pháp sau:

   Cần chăm sóc con từ trong bụng mẹ bằng một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đồng thời theo dõi cân nặng của mẹ theo từng tháng để thấy được sự phát triển của con, khám thai định kỳ.

   Vì sữa mẹ có vai trò quan trọng trong những tháng đầu đời của con nhỏ. Vì vậy nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu và kéo dài từ 18 – 24 tháng.

    Khi trẻ trên 1 tuổi, nên đa dạng các thực phẩm cho trẻ đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng. Mẹ có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn hơn để cải thiện khẩu vị của con.

   Cho con ăn dặm đúng thời điểm, luyện tập cho con thói quen ăn uống đúng giờ, trong quá trình ăn tập trung vào bữa ăn, không nên có mặt những thiết bị điện tử để bé không bị ảnh hưởng trong quá trình ăn.

    Khi gặp các bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp, tiêu hóa không nên tự ý sử dụng kháng sinh mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

    Khi gặp một số vấn đề về sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột mẹ nên bổ sung men tiêu hóa cho con giúp ổn định đường ruột phòng các bệnh về đường tiêu hóa.

   Để ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, mẹ có thể sử dụng cho bé các thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp giải quyết các vấn đề về rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, kém hấp thu cho trẻ. Bởi nó bổ sung chủng men vi sinh tốt có khả năng sống sót cao ở môi trường acid đường tiêu hóa kèm các acid amim và các thảo dược giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động ngày càng khỏe mạnh hơn.

Minh Anh
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 621
  • Trong tuần: 5 086
  • Tất cả: 849540

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com