Người cao tuổi cơ thể lão hóa sẽ phát sinh nhiều bệnh nhưng thường gặp nhất là các bệnh lý về tim mạch. Để phòng ngừa căn bệnh này, người cao tuổi cần biết rõ nguyên nhân và cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Ở người lớn tuổi, các mạch máu dần xơ cứng và giảm tính đàn hồi sẽ khiến tim làm việc nhiều hơn, tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm cho cơ tim bị dày lên, gây ra các bệnh tim mạch ở người cao tuổi. Bệnh tim mạch gây ra nhiều bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim,… kéo theo nhiều bệnh nền làm cơ thể suy yếu, thậm chí là tử vong.
Trong quá trình lão hóa, cấu trúc của tim bị biến đổi, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Các van tim cũng bị thoái hóa, không còn thực hiện tốt chức năng dẫn đến các bệnh van tim. Tình trạng xơ vữa, biến đổi cấu trúc mạch máu, làm thành mạch dày lên còn lòng mạch hẹp lại, là nguyên nhân của đột quỵ. Thêm vào đó, mạch máu của người cao tuổi cũng giảm độ đàn hồi cần thiết, là một trong những cơ chế gây bệnh tăng huyết áp, đồng thời, buộc tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu vào động mạch. Đó là những lý do khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh tim mạch.
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, người cao tuổi cần có chế ăn uống, luyện tập phù hợp:
Hạn chế ăn mặn: Bệnh nhân cần hạn chế các thực phẩm có vị mặn như nước chấm, mắm, cá khô, muối và cả mỳ chính (chứa natri) trong nấu nướng. Người bệnh tim chỉ nên ăn 5-10g muối một ngày bao gồm cả lượng gia vị nêm nếm. Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng.
Tăng cường rau quả: Nên ăn nhiều các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, Vitamin và các khoáng chất vi lượng. Nói chung loại thức ăn này thường chỉ có lợi chứ không hại gì đối với cơ thể. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não.
Kiểm soát chất béo: Lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh tim chỉ nên chiếm 20-30% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Các chuyên gia khuyên nên sử dụng dầu thực vật thay thế mỡ động vật, hạn chế các món chiên xào, tăng cường các món luộc, hấp.
Cai thuốc lá: Thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Y học đã chứng minh thuốc lá ảnh hưởng rất xấu tới huyết áp, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, thúc đẩy hình thành cục máu đông và tăng nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến, suy tim… dẫn đến tử vong hoặc di chứng nặng nề. Nhất thiết bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch. Với những người có yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh tim mạch cũng nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt để ngăn bệnh tiến triển.
Uống nước vừa đủ: Người bị bệnh tim nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, chỉ uống khi cảm thấy khát. Nếu bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Những trường hợp suy tim nặng chỉ nên hạn chế uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ rằng uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt. Trường hợp nặng, cần có hướng dẫn chi tiết của bác sĩ, điều chỉnh chính xác lượng uống theo tiến triển bệnh