image banner
Rối loạn lipid máu

Lipid máu là một thành phần quan trọng trong cơ thể, giúp cơ thể phát triển bình thường, khỏe mạnh. Các loại lipid máu bao gồm: LDL, HDL và triglyceride. Rối loạn chuyển hóa lipid máu được định nghĩa khi có một hoặc nhiều rối loạn sau: tăng cholesterol toàn phần trong máu, tăng triglyceride máu, tăng LDL-cholesterol (cholesrol xấu) hoặc giảm HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Hiện tượng này nếu kéo dài có thể gây xơ vữa động mạch, làm hẹp mạch máu và là nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh tim mạch.

Rối loạn lipid máu có thể dẫn tới một số bệnh lý nguy hiểm như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, viêm tụy, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,... Điều chỉnh lối sống trong đó bao gồm thay đổi chế độ ăn cho người rối loạn lipid máu đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả tình trạng này.

Đa số các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu là do dinh dưỡng không hợp lý: chế độ ăn quá nhiều mỡ động vật, nhiều thức ăn chứa cholesterol (nội tạng động vật, mỡ động vật, bơ sữa toàn phần, trứng), thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá,.... Vì vậy, người bị rối loạn lipid máu ngoài việc sử dụng thuốc còn cần có một chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để điều trị bệnh tích cực, hiệu quả.

Bác sĩ Ngô Minh Phước, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Trong điều trị rối loạn lipid máu, để giảm cholesterol máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành, chế độ ăn cho người bệnh cần phải tuân thủ những nguyên tắc:

Giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày để từ đó giảm cân theo chỉ số khối cơ thể (BMI) nếu có tình trạng thừa cân, béo phì. Trong một số trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid nhẹ, bệnh có thể ổn định sau khi bệnh nhân áp dụng chế độ ăn giảm cân. Người bệnh cần giảm năng lượng trong khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal so với khẩu phần trước đó cho tới khi đạt được năng lượng tương ứng với mức BMI;

Giảm lượng chất béo (lipid) theo BMI: Chất béo chỉ nên chiếm 15 – 20% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Người bệnh cần hạn chế tiêu thụ các chất béo bão hòa, thay vào đó nên ăn các chất béo không bão hòa;

Đảm bảo lượng protein chiếm khoảng 12 – 20% tổng năng lượng, bao gồm đạm động vật và đạm thực vật. Tăng lượng đạm (protein) bằng cách ăn thịt ít béo và các sản phẩm chế biến từ đậu nành vì chúng chứa nhiều estrogen thực vật và isoflavones có tác dụng giảm nồng độ cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglyceride trong cơ thể;

Sử dụng ngũ cốc kết hợp với khoai củ, chiếm khoảng 55 – 60% năng lượng khẩu phần. Người bệnh rối loạn lipid máu nên ăn gạo lứt, hạt nguyên vỏ để cung cấp thêm chất xơ cho cơ thể, góp phần đào thải cholesterol nội sinh ra ngoài;

Ăn nhiều rau quả, khoảng 500g/ngày để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể. Người bệnh nên sử dụng các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa để giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành như: thực phẩm giàu vitamin E, beta-carotene, vitamin C và selen,...

Số bữa ăn hằng ngày của bệnh nhân rối loạn mỡ máu nên chia thành nhiều bữa, tối thiểu 5 bữa/ngày, mỗi bữa cách nhau tối thiểu 3 giờ và cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm chính nhưng giảm tối đa lượng chất béo, đồng thời tăng rau và trái cây ít ngọt. Cung cấp đủ 2 - 2,5 lít nước/ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ tập luyện đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế tốt lipid máu. Tập luyện giúp "đốt" bớt mỡ dư thừa trong cơ thể, giảm cân hiệu quả, tăng khả năng đề kháng của cơ thể và còn gián tiếp thông qua việc điều chỉnh được các nguy cơ khác đi kèm như ổn định huyết áp, giảm nguy cơ đái tháo đường và tăng hoạt tính insulin.

Ngoài ra, hãy bỏ ngay hút thuốc lá vì thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến quá trình hình thành xơ vữa động mạch mà còn ảnh hưởng đến rối loạn lipid máu hoặc thông qua các nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường... Theo dõi cân nặng và thực hiện giảm cân nặng nếu thừa cân/béo phì: hãy giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức lý tưởng (BMI từ 19 – 23) và vòng bụng không quá 90 ở nam giới và 75 ở nữ giới.

Lê Kim
Video truyền thông
  • DẤU ẤN CÔNG TÁC Y TẾ VIỆT NAM 2024
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 20.12.2024
  • KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH SỞI
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
  • TTND - Bác sĩ Trương Minh Thắng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Minh Hải - Cà Mau kể về công tác y tế trong sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 55
  • Trong tuần: 4 857
  • Tất cả: 1071721

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com