Hiện nay đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão. Do đó, nhiều căn bệnh nhiễm trùng về đường tiêu hóa, dị ứng da… mà nhất là đối với căn bệnh đau mắt đỏ sẽ bùng phát mạnh, nếu việc sử dụng nguồn nước trong ăn uống và sinh hoạt không được đảm bảo vệ sinh.
Thật ra, bệnh đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý thường gặp ở mắt, tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng rất nhiều đến việc sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc. Đó là khi lớp màng trong suốt trên bề mặt của nhãn cầu (hay lòng trắng) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết, bệnh đau mắt đỏ là căn bệnh rất dễ lây nhiễm. Do đó, trong nhà chỉ cần một người bị mắc thì hầu như các thành viên còn lại cũng bị theo.
Biểu hiện lúc mắc bệnh là mắt bị đổ ghèn, đau nhức, sưng đỏ. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay y học hiện đại vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh cho biết: “Thời điểm này, bệnh viện chúng tôi thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm kết mạc cấp, trong đó có những trẻ còn kèm theo biểu hiện xuất huyết (tròng mắt bị căng đỏ). Đa phần trẻ bị viêm kết mạc đều nhanh khỏi sau khi được điều trị theo chỉ định của bác sĩ, nhưng nếu không được điều trị hoặc điều trị trễ thì có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc, ảnh hưởng nhiều đến thị lực. Không chỉ trẻ em, mà nhiều người lớn cũng bị đau mắt đỏ trong thời gian gần đây”.
Theo số liệu ghi nhận của Bệnh viện Mắt - Da liễu, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 80 trường hợp mắt bệnh đau mắt đỏ. Hiện nay đang bước vào thời điểm năm học mới, do đó việc trẻ nhỏ bị bệnh mắt đỏ (viêm kết mạc) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của các em. Không những thế, mà nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Chị Nguyễn Trâm Anh, ngụ phường 8, thành phố Cà Mau đưa con trai 3 tuổi đến khám tại Bệnh viện Mắt - Da liểu của tỉnh trong tình trạng đôi mắt sưng, đỏ và đổ ghèn. Trước đó 4 ngày, bé xuất hiện các triệu chứng đổ ghèn, đỏ mắt, chảy nước mắt và dụi mắt liên tục. Dù chị Trâm Anh thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé, nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm, lại ngày càng có dấu hiệu nặng hơn. Chị Trâm Anh cho biết, sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị viêm kết mạc…
Các bác sĩ chuyên khoa mắt thông tin, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến nhất. Các trường hợp đau mắt đỏ do virus thường có các triệu chứng như: Chảy nước mắt, đổ ghèn trong, sưng phù mi, cộm. Bên cạnh đó, một số người có thể bị đau mắt do vi khuẩn Haemophilus Influenzae, Staphylococcus tấn công gây nên tình trạng chảy nước mắt, phù mi, ghèn vàng hoặc xanh. Ngoài ra, một số người có thể bị dị ứng với lông vật nuôi, phấn hoa, bụi…. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan qua nhiều đường, ví dụ do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi... hoặc lây qua tay của người đã mắc bệnh.
Hiện nay, thời tiết mưa nắng diễn biến phức tạp, cộng với độ ẩm cao thường là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi trùng sinh sôi phát triển nhanh hơn nên bệnh đau mắt đỏ cũng thường xảy ra trong thời gian này, nhất là trong thời điểm giao mùa hè - thu. Khi bị đau mắt đỏ, một số người không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc tự ý điều trị khiến bệnh tiến triển nặng và phức tạp hơn, gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Cần lưu ý, khi đã mắc phải bệnh đau mắt đỏ, tuyệt đối không nên sử dụng các phương pháp điều trị dân gian như: Xông nước thuốc, nhỏ chanh, đắp lá nha đam hay đắp lá trầu không… Các phương pháp này không những không có kết quả điều trị, mà còn khiến cho mắt bị sưng phù, bỏng nhiều hơn. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đi khám chuyên khoa mắt và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Cần phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung đồ với người mắc bệnh. Đặc biệt, sau khi nhỏ mắt cho trẻ phụ huynh cần rửa tay ngay. Việc hôn hít trẻ đau mắt đỏ cũng có thể bị lây bởi dịch tiết từ mắt bệnh nhi chảy xuống miệng và mũi. Khi thấy biểu hiện đau mắt đỏ, người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh để mắt bị bội nhiễm.Trung bình sau khi điều trị 3 ngày mắt sẽ hết đỏ và đau, nhưng để khỏi hẳn bệnh nhân phải dùng thuốc từ 7 - 10 ngày.