image banner
Ghi nhận từ kết quả thành công của chiến dịch tiêm phòng Sởi - Rubella
Những ngày cuối năm 2024 bước sang đầu năm 2025, trước tình hình dịch sởi có dấu hiệu bùng phát mạnh trên địa bàn toàn quốc, nhiều ca chuyển biến nặng, thậm chí là tử vong. Trong đó, riêng tại tỉnh Cà Mau bình quân mỗi tháng có hơn 800 trường hợp mắc Sởi - Rubella và tăng hơn 226,18% so với cùng kỳ năm 2024.

Có thể nói, đây là một con số hết sức đáng báo động cho ngành y tế nói riêng và cả cộng đồng tỉnh nhà nói chung. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau có Quyết định số: 536/QĐ - UBND, ngày 24 tháng 3 năm 2025 về việc phê duyệt Kế hoạch Tháng hành động, Truyền thông, phòng chống Sởi năm 2025, trên cơ sở Kế hoạch tham  mưu số: 93/KH - SYT ngày 03 tháng 10 năm 2024 của Sở y tế. Thực tế chiến dịch này tại tỉnh Cà Mau được thực hiện thành 4 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 07 tháng 10 năm 2024 và kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2025. Nhiều địa phương tổ chức các hoạt động rầm rộ như: Mít tinh, lễ ra quân tiêm chủng vắc xin… đã có sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thông, mạng xã hội cũng đã góp phần tích cực trong việc làm thay đổi cách nhìn và cách tiếp cận với vắc xin phòng ngừa căn bệnh sởi cho trẻ em và cho cả người lớn của người dân trong tỉnh. Sau hơn 100 ngày diễn ra chiến dịch, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, mỗi cán bộ y tế là một tuyên truyền viên, mỗi một bậc cha mẹ là một cộng tác viên tích cực. Nhờ đó mà chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ trong độ tuổi bắt buộc (từ 6 tháng đến 10 tuổi) đã kết thúc thành công đúng theo kế hoạch đã định. Kết quả có tới 41.680 liều Sởi - Rubella và 3.720 liều sởi đơn được tiêm cho trẻ trong độ tuổi, đạt trên 95%. Chưa dừng lại ở kết quả đó, hiện nay các địa phương vẫn còn đang tiếp tục ra soát số đối tượng trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều còn lại để tiếp tục tiêm vét trong thời gian tới.

Có thể nói, đây là chiến dịch tiêm chủng có tầm vóc ảnh hưởng quốc gia. Vì lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa sởi sẽ giúp cơ thể người được tiêm sản sinh miễn dịch đặc hiệu, chủ động chống lại virus sởi. Khi được tiêm đúng lịch, đủ mũi, vắc xin sẽ tạo ra lượng kháng thể đầy đủ với tính sinh miễn dịch bền vững trong cơ thể, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi ngay cả khi tiếp xúc với virus trong tương lai. Để thực hiện thành công chiến dịch lần này, chính là nhờ vào việc linh hoạt sử dụng lực lượng giáo viên mầm non, giáo viên bậc tiểu học cơ sở làm “đòn bẩy” tác động trực tiếp đến nhận thức của các bậc phụ huynh về lợi ích của tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh sởi - rubella trong cộng đồng.   

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều vấn đề khó khăn cũng đã phát sinh. Nói về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Chiến dịch lần này nhờ có sự tham gia, hỗ tích cực của ngành y tế địa phương, chính quyền các cấp trong công tác vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong cộng đồng, nên đã kết thúc chiến dịch thành công đúng theo tiến độ đã định. Tuy nhiên cái khó của chiến dịch, là lượng vắc xin được cung cấp khá nhỏ giọt, với nhiều đợt khác nhau nên ban chỉ đạo chiến dịch buộc phải cân nhắc kỹ khi lựa chọn những vùng sâu, vùng khó khăn tiêm trước theo kiểu “hoạt động da báo”, những đối tượng nào cần được ưu tiên tiêm đủ liều để tạo hệ miễn dịch…”.

Chị Châu Hồng Thới, ngụ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước cho biết thêm: “Con tôi đã được tiêm vắc xin ngừa sởi mũi đầu cách nay 9 tháng. Nhưng vừa rồi do bận việc kinh doanh, buôn bán nên không nhớ được thời điểm phải tiêm nhắc lại mũi 2 cho bé. May nhờ có các anh chị trong tổ y tế khóm đến thông báo cho biết, tôi đã đưa bé đến Trạm Y tế Thị trấn để tiêm cho đủ liều theo quy định”.

Theo các chuyên gia y tế cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm vắc xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng được miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không đáp ứng miễn dịch do nhiều yếu tố như còn tồn lưu miễn dịch được mẹ truyền sang trong giai đoạn mang thai, điều kiện về sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc xin… Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin sởi sau 12 tháng tuổi chính là cơ hội thứ hai để giúp cơ thể trẻ hình thành miễn dịch đối với những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc xin sởi, từ đó gia tăng tỷ lệ trẻ có hệ miễn dịch cộng động trên 95%.

Một yếu tố quan trọng nữa, trong công tác vận động nhân dân đưa con em mình trong độ tuổi đi tiêm vắc xin phòng bệnh nói chung và ngừa sởi nói riêng, đó chính là vai trò vận động quần chúng của các tổ chức đoàn thể - chính trị - xã hội ở mỗi địa phương. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào nếu biết phát huy tốt sức mạnh của quần chúng nhân dân thì nơi đó phong trào cách mạng sẽ thành công. 
Phương Vũ
Video truyền thông
  • Kêu gọi cộng đồng hưởng ứng tháng hành động phòng chống sởi
  • THÔNG ĐIỆP PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 14.3.2025
  • CHƯƠNG TRÌNH KHÁM BỆNH, CẤP THUỐC MIỄN PHÍ VÀ TẶNG QUÀ CHO NGƯỜI DÂN
  • 70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 14 279
  • Tất cả: 1134648

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ: Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com