image banner
BỆNH SỞI - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Mùa xuân là thời điểm có nhiều lễ hội, khí hậu giao mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là bệnh sởi.

Tính đến ngày 06/02, huyện Đầm Dơi ghi nhận 180 ca sởi. Bệnh xảy ra nhiều nơi trong huyện như: Thị Trấn 28 ca, Tân Thuận 24 ca, Tạ An Khương Nam 19 ca... Để phòng tránh bệnh sởi và hạn chế nguy cơ lây truyền thành dịch, các cơ sở y tế cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông phòng tránh bệnh sởi.

  Để kịp thời phòng chống bệnh sởi và các loại dịch bệnh khác, ngay từ đầu năm, bác sĩ Trần Bé Đoan, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đã tham mưu tổ chức họp Ban Chăm sóc sức khỏe nhân triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn với những giải pháp thiết thực và chủ động: Đã ban hành các công văn, kế hoạch thực hiện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch theo từng vụ dịch; Xây dựng đội cơ động chống dịch các cấp (huyện 3 đội và mỗi xã 2 đội). Ngoài ra, 16/16 xã, thị trấn thành lập đội xung kích phòng, chống dịch tại khóm, ấp; Dự trù vật tư Y tế, thuốc, hóa chất kịp thời xử lý khi phát hiện bệnh. Phòng Dân số - Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp các khoa, phòng, trạm Y tế xã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống các loại dịch bệnh nói chung và bệnh sởi nới riêng.

 Bệnh sởi (Morbilli) là gì?

Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do virus thuộc giống Morbillivirus thuộc họ Paramyxoviridae gây nên. Đặc điểm để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, nổi các vết phát ban dát đỏ lan theo thứ tự từ mặt đến tay chân và cả cơ thể.

Sởi là một bệnh lưu hành rộng, vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.

Lứa tuổi mắc bệnh nhiều độ tuổi khác nhau, chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại.

  Triệu chứng của bệnh sởi

Bệnh có các triệu chứng khởi đầu: Sốt, viêm màng kết mạc mắt, viêm mũi, sổ mũi, ho và có các đốm đỏ sáng (nốt koplik) ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài từ 4 – 7 ngày.

Bệnh có diễn biến nặng hơn ở trẻ nhỏ và người lớn. Biến chứng của bệnh có thể do sự nhân lên của virus hoặc do bội nhiễm vi khuẩn bao gồm: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh khí phế quản và viêm não. Tử vong chủ yếu ở trẻ dưới năm tuổi với nguyên nhân chủ yếu là viêm phổi, đôi khi do viêm não.

Sởi là bệnh lưu hành địa phương, trong cộng đồng dân cư đô thị và chu kỳ khoảng 2-3 năm, bệnh có thể gây ra thành dịch. Số mắc bệnh chủ yếu ở trẻ em chưa được gây miễn dịch.

Đường lây truyền bệnh sởi

Bệnh lây truyền bởi không khí bị nhiễm các hạt nước bọt có chứa virus, thường lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch tiết của mũi họng bệnh nhân hoặc có thể lây bởi những đồ vật mới bị nhiễm bẩn, các chất dịch tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Thời gian ủ bệnh sởi

Thời gian ủ bệnh sởi trong khoảng 10 ngày, nhưng cũng có thể dao động từ 7-18 ngày kể từ khi tiếp xúc đến khi bắt đầu sốt, thường là 14 ngày cho đến khi phát ban.

 Đối tượng dễ mắc bệnh sởi: Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ dễ cảm nhiễm. Miễn dịch được tạo thành sau khi phát bệnh và là miễn dịch bền vững. Trẻ sinh ra từ người mẹ từng bị mắc bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong khoảng 6 đến 9 tháng tuổi.

 Phòng ngừa bệnh sởi

Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống bệnh Sởi. Khuyến khích mọi người  tiêm vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của bộ Y tế, đeo khẩu trang nơi tập trung đông người, cách ly người mắc bệnh sởi, rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. Sử dụng dung dịch sát khuẩn Tai - Mũi - Họng, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân thường xuyên nâng cao thể trạng, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng. Ngoài ra, tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả nhất. 

Bs. Châu Hải Dương- TTYT Đầm Dơi
Video truyền thông
  • PHÒNG BỆNH SỐT RÉT QUAY TRỞ LẠI
  • DẤU ẤN CÔNG TÁC Y TẾ VIỆT NAM 2024
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 20.12.2024
  • KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH SỞI
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
1 2 3 4 5  ... 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 864
  • Trong tuần: 6 541
  • Tất cả: 1084601

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Trần Hiến Khóa - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com