image banner
Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ nhanh khỏi bệnh cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do vi rút đường ruột lây chủ yếu qua đường tiêu hóa và tiếp xúc với dịch nốt phỏng. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh tay chân miệng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, loét miệng, đau miệng, phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông...

Bác sĩ Dương Thị Tú, Trung tâm Y tế huyện Cái Nước cho biết: Ngoài việc tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ, việc chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách góp phần giúp trẻ mau khỏi bệnh và đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Do đau ở miệng nên nhiều trẻ có thể bỏ ăn hoặc biếng ăn, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ gia đoạn này cần được quan tâm đúng cách. Thức ăn phải nấu thật nhuyễn, mềm, đủ chất và không nóng để cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn và quên đi sự đau đớn. Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột pha hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả… Đối với trẻ bú mẹ cần cho trẻ bú như bình thường và có thể tăng số lần, thời gian cho bú vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều như lúc khỏe. Nên chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ và cho ăn  nhiều lần trong ngày để đảm bảo đủ năng lượng cho trẻ. Không nên cho trẻ uống nước nóng hoặc quá lạnh có thể làm cho trẻ đau miệng. Khi trẻ dần dần hồi phục và hết các vết loét gây đau ở miệng, nên động viên trẻ ăn như bình thường, không kiêng khem để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

 Tuyệt đối không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc. Không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Phân của người bệnh TCM cần được xử lý tốt, tránh làm vương vãi ra môi trường xung quanh. Nên cho trẻ đi ngoài vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như Cloramin B. Nhà vệ sinh của các gia đình có người bị bệnh TCM luôn luôn sạch sẽ và được lau chùi bằng xà phòng và chất sát khuẩn.

Cần cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Khi nghi trẻ bị bệnh TCM hoặc trẻ bị bệnh TCM mà có một số dấu hiệu khác thường (bứt dứt, lừ đừ, yếu chi, co giật, hôn mê, mạch đập nhanh, tay chân lạnh, thở nhanh hơn bình thường, sùi bọt hồng ở miệng) thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm, bác sĩ Tú khuyến cáo.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 2/10 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.262 ca tăng 8% so với cùng kỳ. Địa phương có số ca mắc cao là Cà Mau: 339 ca, Trần Văn Thời 218 ca, Đầm Dơi 194 ca, Thới Bình 176 ca, Cái Nước 117 ca...

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ ngành Y tế khuyến cáo: Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường là vô cùng cần thiết và quan trọng. Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, nhất là rửa tay, chân sạch bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt của trẻ bị bệnh TCM, sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc dung dịch Cloramin B và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành với trẻ bệnh. Các hộ gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

anh tin bai
Lê Kim
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 19
  • Trong tuần: 3 985
  • Tất cả: 855016

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com