image banner
CÚM GIA CẦM VÀ NGUY CƠ LÂY TRUYỀN DỊCH BỆNH

Hiện nay mặc dù chưa phải là giai đoạn cao điểm nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm Cúm A(H5N1), nhưng để kịp thời chủ động trong công tác phòng, chống dịch có thể bùng phát trên đàn gia cầm của tỉnh và có nguy cơ lây lan sang người tỉnh Cà Mau đã  tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống.

Theo đó, ngày 11/02/2024 Sở Y tế và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đã có Kế hoạch liên tịch số 15/KH-SYT-SNN&PTNT về “Phối hợp triển khai công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024”. Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025 theo Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã tái đàn hơn 4 triệu con gia cầm, trong đó nhiều nhất là vịt chạy đồng, gà công nghiệp, ngan, ngỗng… Đơn vị đã tiến hành tiêm phòng vắc xin được gần 1 triệu liều cho đàn gia cầm của người dân. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ có tỷ lệ mắc và tử vong lây truyền từ động vật sang người, đòi hỏi người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, tránh. Đặc biệt là đối với người chăn nuôi cần phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc khai báo đàn với ngành chức năng địa phương và thực hiện tiêm phòng vắc xin cho gia cầm đúng liều, đầy đủ, không chủ quan trước các dấu hiệu dịch bệnh trên gia cầm. Đồng thời, tuyệt đối không được giết mổ khi gia cầm bị bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Ông Chung Hữu Nghị, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện nay là thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi, mưa nắng đan xen liên tục là điều kiện thuận lợi để cho các mầm bệnh trên đàn gia cầm phát triển mạnh. Từ đầu năm đến nay, một số địa phương như: Khánh Hòa, Tiền Giang cũng đã xuất hiện ổ dịch Cúm A(H5N1) và đã lây lan sang người. Tại tỉnh Khánh Hòa ghi nhận có một trường hợp tử vong do bị nhiễm loại virus cúm này”.

Anh Võ Văn Việt, ngụ ấp Kênh Tám, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời cho biết, hiện nay gia đình anh có đàn gia cầm hơn 100 con (gà, vịt, ngỗng), nhưng những ngày gần đây do mưa gió thất thường, nên có một số con trong đàn bị chết không rõ nguyên nhân. Anh Việt chia sẻ: “Do lo sợ không biết đàn gia cầm của tôi có bị virus Cúm A(H5N1) hay không, nên gia đình tôi thu gom để chôn lấp và báo với cán bộ thú y của xã đến lấy mẫu xét nghiệm. Nhưng may mắn là không có virus cúm. Sau đó tôi cũng đã tiêm phòng cúm đủ liều cho đàn gà vịt của gia đình”.

Theo khuyến cáo của ngành y tế cho biết, bệnh cúm gia cầm chủ yếu lây nhiễm từ gia cầm sang cho người thông qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với những vật dụng đã bị nhiễm mầm bệnh trước đó hoặc với gia cầm bị ốm, chết do nhiễm virus. Thậm chí là do ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín kỹ. Bởi thông thường, virus cúm gia cầm có nhiều trong các chất bài tiết từ dịch mũi, họng của gia cầm bị bệnh, từ bụi và đất nơi gia cầm được nuôi nhốt. Không những vậy, nguy hiểm hơn virus gia cầm còn có thể lây truyền trong không khí từ các dịch nhỏ được tiết ra thông qua đường hô hấp của gia cầm bị bệnh, cũng như có thể hít phải không khí có chứa bụi từ phân của gia cầm. Nhưng nguồn lây chủ yếu vẫn là do trong quá trình hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến gia cầm bị nhiễm bệnh virus cúm A(H5N1)…  

Các dấu hiệu để nhận biết khi bị nhiễm cúm gia cầm như: Sốt hoặc sốt cao đột ngột, thường là trên 380C, đau đầu, đau nhứt cơ, ho khan, viêm họng, mệt mỏi, tiêu chảy… Ở một số trường hợp người bệnh còn có thể bị viêm phổi cấp tính, tổn thương đa tạng và dẫn đến tử vong.

 

Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở y tế tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thú y và y tế trên địa bàn từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt việc giám sát tình hình dịch bệnh từ động vật sang người… Giám sát các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và kể cả trong cộng đồng, nhất là đối với những trường hợp nghi ngờ giết mổ gia cầm bị nhiễm bệnh đem ra tiêu thụ trên thị trường”.

 

Hiện nay, bệnh cúm gia cầm trên người vẫn chưa có thuốc đặc trị, cũng như chưa có vắc xin để phòng ngừa. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là ý thức chủ động phòng bệnh của mọi người, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

 

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
  • TTND - Bác sĩ Trương Minh Thắng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Minh Hải - Cà Mau kể về công tác y tế trong sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954
  • Phòng chống Sốt rét
  • TẠP CHÍ YHSK 18.10.2024
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 730
  • Trong tuần: 5 273
  • Tất cả: 1020805

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com