Nhận thức đúng về bệnh dại – giải pháp phòng tránh hữu hiệu để bảo vệ tính mạng
Bệnh dại là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, do virus Rabies gây ra, tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương của con người. Virus này tồn tại chủ yếu trong nước bọt của các loài động vật máu nóng như chó, mèo, dơi… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm tại Việt Nam có hơn 70 ca tử vong do bệnh dại, trong đó phần lớn là do bị chó dại cắn. Điều đáng lo ngại là khi bệnh dại đã phát tác, tỷ lệ tử vong là 100%.
Virus dại có khả năng vượt qua hệ miễn dịch của cơ thể, xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và vô hiệu hóa hàng rào máu não – tuyến phòng vệ cuối cùng của não bộ trước các tác nhân nguy hiểm. Một khi virus đã vào đến não, các loại thuốc kháng virus đều không còn tác dụng, dẫn đến không có phương pháp điều trị hiệu quả. Đây là lý do vì sao việc phòng ngừa luôn được xem là giải pháp duy nhất và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.
Tại tỉnh Cà Mau cũng như nhiều địa phương trên cả nước, thời gian qua đã ghi nhận nhiều ca tử vong thương tâm do bệnh dại, phần lớn xuất phát từ sự chủ quan của người dân khi không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó, mèo hoặc các loài động vật có vú khác cắn, liếm hay cào. Nhiều người vẫn còn tin vào các phương pháp "lấy nọc" dân gian không có cơ sở khoa học, khiến tình trạng càng thêm nghiêm trọng và nguy hiểm.
Hiểu rõ cơ chế nguy hiểm của virus dại
Bác sĩ Lâm Thuận Hiệp – Trưởng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Virus dại có cấu trúc tương đồng với nọc độc của loài rắn hổ mang. Chúng tiết ra chất độc cực mạnh gây ức chế các tế bào thần kinh não, đồng thời phá hủy hàng rào bảo vệ mạch máu não – nơi vốn có nhiệm vụ ngăn chặn các tác nhân gây hại xâm nhập vào não. Khi hàng rào này bị vô hiệu hóa, mọi nỗ lực điều trị bằng thuốc sẽ trở nên vô vọng”.
Bác sĩ Đinh Hoàng Nhớ – Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, cũng nhận định: “Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Virus dại không chỉ làm suy yếu hệ miễn dịch mà còn có khả năng tấn công trực tiếp vào các tế bào miễn dịch, khiến việc điều trị càng thêm khó khăn. Đây là lý do vì sao bệnh dại luôn được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay.”
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ngành y tế khuyến cáo, khi bị chó mèo cắn hoặc có tiếp xúc với vết thương hở từ các động vật nghi dại, người dân cần ngay lập tức rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm vắc xin phòng dại càng sớm càng tốt. Thời điểm "vàng" để tiêm phòng là trong vòng 24 giờ đầu sau khi bị cắn. Việc chậm trễ có thể khiến hiệu quả phòng bệnh giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ tử vong.
Song song đó, việc tiêm phòng vắc xin dại định kỳ cho chó, mèo – đặc biệt là các vật nuôi trong gia đình – là biện pháp phòng ngừa bệnh dại hữu hiệu và cần thiết. Người dân tuyệt đối không nên thả rong chó mèo mà không rọ mõm, để tránh tình huống chúng tấn công người khác hoặc chính chủ nuôi trong trường hợp phát bệnh.
Ngoài ra, các bài thuốc dân gian truyền miệng như “lấy nọc” không chỉ không có tác dụng, mà còn có thể gây nhiễm trùng nặng từ vết thương hở, làm tăng mức độ nguy hiểm. Khoa học hiện chưa ghi nhận bất kỳ phương pháp truyền thống nào có thể chữa khỏi bệnh dại khi đã phát bệnh.
Việc nâng cao nhận thức đúng đắn về bệnh dại là điều vô cùng quan trọng. Người dân cần hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh, từ đó hình thành thói quen phòng ngừa ngay từ sớm. Không chỉ giúp tiết kiệm chi phí điều trị, mà còn góp phần bảo vệ tính mạng bản thân, gia đình và cộng đồng