Theo cảnh báo của ngành y tế, hiện nay đang bước vào thời kỳ cao điểm của dịch cúm mùa, chủng virus HMPV. Đây được xem là sự biến đổi của virus cúm, khả năng miễn dịch cộng đồng suy giảm sau Covid-19. Nguyên nhân là do công tác chủng ngừa còn thấp, sự tác động tiêu cực từ yếu tố môi trường và khí hậu, việc chủ động điều trị chậm trễ khiến cho dịch cúm năm nay có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, dịch cúm năm nay đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng trên toàn cầu, được đánh giá là đợt dịch bùng phát nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các dấu hiệu điển hình của virus HMPV và Covid-19 là đều dễ lây truyền, biểu hiện các triệu chứng tương tự nhau như ho, sổ mũi, sốt, đau họng, nghẹt mũi, khó thở. Chúng cũng có thể sẽ lây lan theo các cách tương tự nhau. Ở trường hợp nghiêm trọng nhất, cả hai loại virus này đều có thể khiến người bệnh phải nhập viện chữa trị. Điều đáng quan tâm hiện nay là đối với loại Virus HMPV có thể dẫn đến bệnh đường hô hấp trên và bệnh đường hô hấp dưới ở mọi độ tuổi. Trẻ em (dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sinh non), người cao tuổi (trên 65 tuổi), là những đối tượng dễ bị phơi nhiễm và có nhiều nguy cơ phát triển thành viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản nhất.
Tiến sĩ, bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, cho biết: “Một trong những nguyên nhân gây cúm nặng hiện nay là tỷ lệ nhiễm cúm A/H3N2 có xu hướng tăng lên, cũng là nguyên nhân chính góp phần làm bệnh nặng hơn ở các nhóm nguy cơ. Đây là chủng cúm A có độc lực cao, thường liên quan đến bệnh cảnh nặng hơn, đặc biệt ở người cao tuổi. Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng vốn đã yếu đi sau giai đoạn phong tỏa và giãn cách xã hội khi phòng chống đại dịch Covid-19, càng làm tăng mức độ nghiêm trọng của dịch cúm”.
Một thực tế cho thấy, tỷ lệ tiêm vắc xin cúm đạt thấp cũng sẽ đóng vai trò đáng kể trong việc làm gia tăng số ca mắc, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Thêm vào đó, sự thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc virus cúm đôi khi làm giảm hiệu quả của vaccine dù đã được cập nhật hàng năm. Đây là lý do vì sao dịch cúm bùng phát mạnh, khiến cho hàng loạt bệnh viện tại một số địa phương trên cả nước đã trở nên quá tải và gây khan hiếm thuốc điều trị. Ngoài ra, yếu tố môi trường và khí hậu cũng góp phần không nhỏ vào sự bùng phát dịch cúm. Sự biến đổi khí hậu, thời tiết lạnh, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và lây lan nhanh hơn. Tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn (PM2.5), cũng làm tăng nguy cơ mắc cúm và khiến bệnh thêm trầm trọng.
Hiện nay tại tỉnh Cà Mau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã liên tục khuyến cáo người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện trường hợp nhiễm virus cúm HMPV, nhưng với tốc độ lây lan nhanh của căn bệnh này tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, nên người dân vẫn cần phải hết sức đề cao cảnh giác phòng bệnh trong cộng đồng, nhất là đối với người già, người có tiền sử bệnh nền và trẻ nhỏ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau khuyến cáo: “Ðể phòng, chống nhiễm virus HMPV, người dân cần ăn chín, uống sôi và giữ vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc vận động nâng cao thể chất, thể dục thể thao thường xuyên cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, trẻ nhỏ và cả người lớn cũng phải thường xuyên duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn y tế, sử dụng khẩu trang y tế khi đi đến các điểm công cộng và khu vực tập trung đông người để tránh bệnh truyền nhiễm cao. Ðặc biệt, việc giữ ấm, tiêm chủng vắc xin đúng lịch cũng là biện pháp cần thiết tốt nhất hiện nay”.
Ngoài ra, các bác sĩ chuyên khoa cũng lưu ý người dân khi có các triệu chứng nghi ngờ cúm như: Sốt cao, ho, đau đầu, đau ngực, cần phải nghỉ ngơi tại nhà, uống đủ nước để theo dõi tình trạng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng như khó thở, đau tức ngực, lơ mơ, hoặc tím tái, phải đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh dẫn đến nguy cơ biến chứng nguy hiểm.