24/07/2024
NGUY CƠ BỆNH SỞI LÂY LAN VÀ BÙNG PHÁT
Do thiếu vắc xin tiêm phòng mà tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ trong những năm gần đây đạt thấp, dẫn đến miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng không đảm bảo dẫn đến nguy cơ bệnh sởi bùng phát trong cộng đồng là rất cao. Đặc biệt, là đối với những trẻ chưa được tiêm và tiêm chưa đầy đủ.
Vệ sinh nhà và đồ chơi của trẻ để phòng bệnh sởi
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Virus bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não và thậm chí tử vong. Chỉ hơn 02 tháng gần đây, trên địa bản tỉnh ghi nhận 05 ca mắc sởi, huyện Trần văn Thời ghi nhận 02 ca, Đầm Dơi 01 ca và Thới Bình 02 ca, những ca mắc sởi này đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bác sĩ Đoàn Văn Nam, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết “Thời gian qua, do thiếu vắc xin dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt thấp. Hiện nay tình hình bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp, theo thống kê trên phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy 20 tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận mắc bệnh sởi, trong khi đó là miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng bị giảm, nguy cơ bệnh sởi bùng phát trên địa bàn tỉnh Cà Mau là rất cao”.
Khi miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng đạt thấp dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, tạo điều kiện mầm bệnh phát triển và lây lan nhành chóng, nhất là đối với trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng, sau khi được cấp vắc xin ngành Y tế đã tăng cường công tác tiêm bù, tiêm vét đối với những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ trong thời gian qua. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động thực các biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn, Phó trưởng Trạm y tế xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết “Đầu năm đến nay, xã Trần Hợi đã tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ đạt trên 47%. Đối với những trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ thì có lực lượng cộng tác viên y tế đến tuyên truyền, vận động. Những tháng gần đây, vắc xin đã được cung cấp đầy đủ nên người dân đưa trẻ đến tiêm nhiều hơn”. Chị Nguyễn Thị Bé, ấp Bình Minh I, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời nói “Tôi thấy tiêm vắc xin là phòng bệnh cho con đây là lợi ích rất lớn. Thêm nữa là không phải tốn tiền đối với người dân như chúng tôi thì việc tiêm vắc xin dịch vụ thì quá tốn kém. Hàng tháng tôi đều theo dõi trên sổ tiêm chủng để đưa con mình đi tiêm đầy đủ”.
Tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh sởi. Vắc xin không chỉ bảo vệ người được tiêm khỏi bệnh sởi mà còn giúp tạo ra miễn dịch cộng đồng, giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi 1 là trên 39%, tiêm bù, tiêm vét cho trẻ trong khoảng thời gian thiếu vắc xin đạt trên 55%.
Bác sĩ Đoàn Văn Nam, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế - Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết thêm “Ngành Y tế tăng cường rà soát và triển khai quyết liệt việc tiêm bù, tiêm vét để trẻ được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng để nâng cao ý thức của người dân. Chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hiện nay vắc xin phòng bệnh sởi đã cung cấp đầy đủ tại các xã, phường, thị trấn vì vậy người dân nên đưa con mình đi tiểm đầy đủ để bảo vệ sức khỏe”.
Trước nguy cơ dịch bệnh sởi lan rộng và bùng phát, Ngành Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống và đáp ứng bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho trẻ, cùng với đó là các giải pháp phòng chống dịch tại hộ gia đình và cộng đồng. Với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ không để bệnh sởi lâu lan và bùng phát thành dịch lớn.
Minh Khang