image banner
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do một số chủng vi khuẩn có tên là Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí, chỉ sản xuất độc tố khi chúng bị nhiễm bởi Corynebacterium mang gen độc tố.

Bệnh bạch hầu được phân thành hai loại là bạch hầu đường hô hấp và bạch hầu ngoài đường hô hấp.

1. Bạch hầu hô hấp.

Bệnh bạch hầu hô hấp còn được gọi là bệnh bạch hầu họng. Đây là loại bạch hầu phổ biến nhất (chiếm 40-70% trường hợp), ảnh hưởng đến mũi, họng, amidan và thanh quản (hộp thanh quản) của người bệnh.

Bệnh bạch hầu mũi: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.

Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện hoại tử, tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ gây khó thở, nhất là ở trẻ nhỏ. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.

Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc xuất hiện tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

2. Bạch hầu da và các màng nhầy khác.

Bạch hầu da và các màng nhầy khác (niêm mạc, kết mạc và vùng âm hộ – âm đạo, ống tai ngoài, …) thường hiếm gặp hơn so với bạch hầu họng. Bạch hầu da dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, lở loét trên da. Các vết thương trên da có thể để lại sẹo vĩnh viễn.

Bệnh bạch hầu có những biến chứng sau:

Tắc nghẽn đường thở: Khi mắc bệnh bạch hầu, màng dày hình thành trong cổ họng của người bệnh có thể chặn đường thở, dẫn đến khó thở và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Viêm cơ tim: Độc tố bạch hầu có thể gây tổn thương cơ tim, viêm cơ tim, nhịp tim bất thường, suy tim, thậm chí dẫn đến tử vong đột ngột.

Biến chứng thần kinh: Trong một số trường hợp hiếm gặp, độc tố bạch hầu có thể tổn thương các chức năng thần kinh.

Nhiễm trùng toàn thân: Vi khuẩn bạch hầu có thể lây lan qua máu, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân (nhiễm trùng huyết), suy đa tạng và sốc nhiễm trùng.

Lở loét da: Với trường hợp bị bạch hầu da, người bệnh thường gặp biến chứng lở loét da. Tuy nhiên, biến chứng này thường ít nghiêm trọng hơn, mặc dù vết thương có thể lâu lành nhưng không gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Tử vong: Nếu không được điều trị kịp thời, các trường hợp bệnh bạch hầu nghiêm trọng có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.

Nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu hoặc từng tiếp xúc với người bệnh, bạn cần thông báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để tiến hành lấy mẫu dịch từ cổ họng và kiểm tra xem trong mẫu dịch họng có vi khuẩn gây bệnh bạch hầu hay không.

Bệnh bạch hầu được điều trị như thế nào?

Hiện nay, bệnh bạch hầu đã có thể điều trị bằng thuốc. Người bệnh nên được điều trị tại các bệnh viện có chuyên môn điều trị bệnh này.

Biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu:

1. Tiêm chủng: Bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc tiêm vắc xin.

Tại Việt Nam hiện nay chưa có vắc xin đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vắc xin phối hợp trong đó chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu như:

Vắc xin trong tiêm chủng mở rộng như:

Vắc xin 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib): tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.

Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván: tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.

Vắc xin dịch vụ có những loại vắc xin như:

Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib – Viêm gan B: tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi.

Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp) phòng 5 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Hib – Bại liệt: tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi.

Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt: dành cho đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi, đặc biệt là tiêm nhắc khi trẻ 4-6 tuổi đối với những trẻ không tiêm 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.

Vắc xin Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà: đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, thường được khuyến cáo tiêm nhắc mũi vắc xin này mỗi 10 năm một lần.

2. Các biện pháp phòng ngừa khác:

Những người tiếp xúc gần với người bị bệnh bạch hầu cũng có thể được dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Ngoài ra, cần lưu ý thực hành thói quen vệ sinh tốt, chẳng hạn như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, che miệng – mũi khi ho hoặc hắt hơi, tránh tiếp xúc gần với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Đồng thời cần chú ý nghỉ ngơi điều độ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao,… giúp tăng cường sức đề kháng, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Những biện pháp này có thể giúp giảm sự lây lan của bệnh bạch hầu.

Khi phát hiện người mắc bệnh bạch hầu, không nên tiếp xúc với người bệnh mà cần thông báo ngay cho nhân viên y tế. Trong trường hợp có tiếp xúc với người bệnh, nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh cao, bạn cần thực hiện tự cách ly và thông báo cho nhân viên y tế để được hướng dẫn, xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Bs Châu Hải Dương - TTYT Đầm Dơi
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.11.2024
  • TTND - Bác sĩ Trương Minh Thắng - Nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Minh Hải - Cà Mau kể về công tác y tế trong sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954
  • Phòng chống Sốt rét
  • TẠP CHÍ YHSK 18.10.2024
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 490
  • Trong tuần: 5 264
  • Tất cả: 1022051

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com