image banner
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH THỦY ĐẬU

Thủy đậu (hay còn gọi bệnh trái rạ) là bệnh truyền nhiễm rất dễ lây nhiễm từ người sang người, do virus Varicella Zoster thuộc họ Herpesviridae gây ra. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị bệnh, chứ không phải trẻ nhỏ như nhiều người lầm tưởng. Bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, biến chứng ở nhiều cơ quan, thậm chí tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.Virus Varicella Zoster dễ lây qua đường hô hấp, khi người lành tiếp xúc với các giọt bắn có trong không khí từ miệng hay mũi của người bệnh khi hắt hơi, chảy nước mũi hoặc ho. Bệnh cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với quần áo, vải trải giường, các vật dụng bị ô nhiễm bởi chất dịch từ nốt phỏng hoặc từ miệng hay mũi của người bệnh. Nhiều người nghĩ rằng thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên chủ quan. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch suy yếu như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, mẹ bầu, người có bệnh mạn tính…, nếu mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm gan, rối loạn tâm thần thậm chí tử vong. Các biến chứng muộn gồm hội chứng Guillain-Barre, bệnh zona thần kinh với biến chứng đau dây thần kinh.

            Giai đoạn ủ bệnh:Vi rút gây bệnh thủy đậu có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 3 tuần. Tùy thuộc vào sức đề kháng và đối tượng nhiễm bệnh mà thời gian ủ bệnh ở mỗi người không giống nhau, trung bình kéo dài từ 10 -20 ngày. 

 Giai đoạn phát bệnh: Khi bắt đầu phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng. Và 1 – 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa màu đỏ khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Một số người bệnh còn xuất hiện hạch sau tai, viêm họng.

 Giai đoạn toàn phát: Các mụn nước hay còn gọi là ban dạng phỏng nước xuất hiện nhanh chóng trong vòng 1 ngày sau đó. Ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, với đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong màu trắng hoặc trắng đục, nếu bội nhiễm vi khuẩn thì dịch sẽ kèm theo mủ. Ban mọc nhiều ở vùng ít bị tì đè như  bên sườn, nách, kheo, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, chân tay thì ít ban hơn. Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da, do đó người bệnh sẽ thấy ban mọc ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vảy. Người mắc bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể. 

Một khi phát ban thủy đậu xuất hiện, nó sẽ có màu màu hồng hoặc đỏ (sẩn). Các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng (mụn nước), hình thành trong khoảng 1 ngày, sau đó vỡ và rỉ dịch. Sau đó, các mụn nước bị vỡ mất thêm vài ngày để lành vết thương. Trong thời gian đó, các mụn nước mới tiếp tục xuất hiện Bệnh thủy đậu thường nhẹ ở trẻ em khỏe mạnh nhưng ở một số ca, ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể, có thể hình thành tổn thương ở cổ họng, mắt và niêm mạc niệu đạo, hậu môn và âm đạo.

Giai đoạn hồi phục: Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày, vảy tiết thường rụng sau 1-3 tuần. Nếu bệnh thủy đậu không có biến chứng thì các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng nếu người bệnh bị nhiễm trùng mụn nước thì sẽ có thể để lại sẹo, đặc biệt nếu bị bội nhiễm, một số có nền hơi lõm, có thể thành sẹo một thời gian dài hay sẹo vĩnh viễn

Cách phòng tránh thủy đậu

1. Tiêm ngừa vắc xin phòng ngừa thủy đậu

Đối với bệnh dễ lây nhiễm như thủy đậu, tiêm vắc xin là cách phòng bệnh đơn giản, an toàn và hiệu quả nhất cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

CDC Mỹ cho biết, bệnh thủy đậu từng rất phổ biến, gây nên nhiều trường hợp biến chứng và tử vong. Minh chứng từ những năm 1990, mỗi năm nước này có hơn 4 triệu ca mắc, 10.500 – 13.000 người phải nhập viện và 100-150 người chết do thủy đậu. Năm 1995, vắc xin thủy đậu bắt đầu được sử dụng rộng rãi ở quốc gia này. Trong 25 năm đầu tiên của chương trình tiêm chủng, vắc xin thủy đậu đã chặn khoảng 91 triệu ca bệnh, 238.000 ca nhập viện, 2.000 ca tử vong do thủy đậu.

2. Không tiếp xúc với người bị hoặc nghi ngờ bị thủy đậu

Virus thủy đậu dễ lây nhiễm qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành, đặc biệt ở những nơi công cộng, không gian kín như trường học, khu vui chơi, văn phòng… Do đó, để phòng tránh bệnh thủy đậu, người bệnh nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây lan virus. Khi ở nhà, người bệnh cần cách ly với các thành viên trong gia đình, đặc biệt các đối tượng nguy cơ như trẻ nhỏ, thai phụ, người lớn tuổi…

Người lành cần chủ động tránh tiếp xúc và không dùng chung các vật dụng với người nghi nhiễm bệnh. Trong trường hợp phải tiếp xúc, người lành cần thực hiện đeo khẩu trang, che chắn kĩ để ngăn virus lây nhiễm.

3. Vệ sinh cá nhân và môi trường sống thường xuyên

Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa mắc virus, vi khuẩn truyền nhiễm, ví dụ như virus gây bệnh thủy đậu là thực hiện vệ sinh đúng cách. Trong đó, phương pháp phòng thủy đậu cũng như các bệnh truyền nhiễm khác hiệu quả nhất là rửa tay. Bạn không nên rửa tay qua loa mà hãy rửa kỹ các kẽ ngón tay và bàn tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây, rửa với nước ấm thì càng tốt.

Nên chú ý rửa tay sau khi đi vệ sinh, rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt nghi ngờ có chứa mầm bệnh; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt vệ sinh riêng; làm sạch và khử trùng môi trường sống và các bề mặt thường xuyên có nhiều người tiếp xúc; kiểm soát tốt bệnh lý nền nếu có, chẳng hạn như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…

4. Hạn chế đi đến các vùng đang có dịch

Bệnh thủy đậu dễ lây từ người sang người qua đường hô hấp, đặc biệt ở những không gian kín, nơi đông người, địa điểm công cộng… Để phòng bệnh, trước khi đến mỗi địa phương, vùng, miền, bạn cần tìm hiểu xem địa phương bạn sắp đến đang có nhiều trường hợp mắc thủy đậu không và cần chủ động trang bị các biện pháp phòng bệnh.

Khẩu trang được chứng minh làm giảm lây nhiễm virus, vi khuẩn, đặc biệt là các mầm bệnh lây qua đường hô hấp. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và địa điểm, bạn có thể sử dụng các loại khẩu trang y tế như loại khẩu trang vải, khẩu trang N95, KN95, KF94… khi đến nơi công cộng, đông người, khu vui chơi.

Virus thủy đậu cũng có thể lây truyền qua đường tiếp xúc nên cần rửa tay, sát khuẩn tay thường xuyên để loại bỏ virus bám trên tay.

Trên đây là những cách phòng tránh thủy đậu hiệu quả được khuyến cáo thực hiện, trong đó việc chủ động tiêm vắc xin là biện pháp đơn giản, an toàn, dễ thực hiện với hiệu quả bảo vệ lên đến 98%, chặn đứng nguy cơ nhiễm virus, mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong tương lai.

BS Nguyễn Tấn Lực
Video truyền thông
  • ĐẢM BẢO VẮC XIN TIÊM BÙ CHO TRẺ
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 131
  • Trong tuần: 4 335
  • Tất cả: 863492

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com