image banner
Phòng tránh bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

       Động vật gây bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo và động vật hoang dã như chó rừng, chồn, cầy, cáo, rơi và một số loài động vật có vú khác.Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. 

          Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da xâm nhập vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương gây tổn thương thần kinh trung ương. Giai đoạn tiền triệu chứng, thường kéo dài 1- 4 ngày, có biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, tê và đau tại vết thương nơi vi rút xâm nhập. Giai đoạn viêm não có dấu hiệu bệnh dại thường là mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động, sợ nước. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp... Nặng có thể liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện, khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh dại ở người thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn. 

         Bác sĩ Nguyễn Quan Phú, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Khi bị động vật cắn, liếm, cào thì cần được rửa ngay với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt”.

         “Khi xử lý vết thương do bị động vật cắn người dân cần chú ý không băng kín, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam”. Bác sĩ Nguyễn Quan Phú, khuyến cáo.

          Tại Cà Mau, nhiều năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh đã phối hợp rất tốt trong việc tuyên truyền, tổ chức tiêm phòng và kịp thời xử lý tình huống, giúp người dân nâng cao ý thức trong thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại.Để chủ động phòng chống bệnh dại, đối với vật nuôi, ông Quách Minh Quốc, Chi cục phó Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh khuyến cáo:“Người dân cần thực hiện tốt việc tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Không thả rông chó, mèo ra đường, nhốt; Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch”. Còn đối với con người thì không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

          Tùy theo tình trạng động vật, tình trạng vết cắn, vị trí vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng mà người bệnh được dùng vắc xin hoặc dùng vắc xin kết hợp với huyết thanh kháng dại. Việc khám và điều trị dự phòng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tình trạng vết cắn, vị trí cắn, thời gian từ khi bị cắn đến khi được tiêm vắc xin, loại vắc xin, đáp ứng miễn dịch của người bệnh.       

           “Khi bị chó, mèo cắn phải khẩn trương đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả và quan trọng để phòng chống bệnh dại”. Bác sĩ Nguyễn Quan Phú, lưu ý.

          Trong những năm gần đây, bệnh dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng động, tác động tiêu cực đến xã hội và gây thiệt hại về kinh tế. Theo thống kê khu vực phía Nam tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 14 trường hợp tử vong do bệnh dại, giảm 03 ca so với cùng kỳ 2021. Riêng tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay không ghi nhận bệnh dại trên người, so với năm 2021 cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại. Trên động vật ghi nhận 01 ổ dịch dại trên chó tại xã Khánh lâm huyện U Minh ngày 16/6/2022. Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần phát huy hơn nữa ý thức cá nhân cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng. Trong những dịp sum vầy vui vẻ, nhắc nhở nhau về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cách phòng tránh bệnh dại và cùng thực hiện cam kết 5 không: Không nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng dại; Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; Không nuôi chó, mèo thả rông; Không để chó, mèo cắn người; Không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

Lê Kim
Video truyền thông
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
  • Phóng chống tác hại của thuốc lá
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 123
  • Trong tuần: 5 226
  • Tất cả: 831112

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com