Đó là nội dung thông điệp từ Công văn số: 97/GDSKTƯ, ngày 07 tháng 02 năm 2025 của Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương.
Có thể nói, thời tiết mùa Đông - Xuân năm nay diễn biến khá phức tạp với hình thái rét đậm, rét hại kéo dài, đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh dịch đường hô hấp phát triển, đặc biệt là đối với bệnh cúm mùa. Mặc dù bệnh cúm mùa luôn xảy ra hàng năm và người mắc có thể tự khỏi sau thời gian từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp có hệ miễn dịch kém, có thể dẫn đến viêm phổi nặng và thậm chí là tử vong, nhất là đối với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc các bệnh nền… Bởi bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng. Ngoài ra, nhiều người hiện nay còn có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không cần phải đi thăm khám sớm. Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, năm 2025 bệnh cúm mùa tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm và có xu hướng gia tăng ở cả Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực. Đồng thời, Tổ chức Y tế giới cũng cảnh báo bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bao gồm cả cúm mùa có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm cuối năm ở nhiều quốc gia, khu vực.
Theo bác sĩ Tô Văn Mứng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Năm Căn cho biết: “Kể từ sau Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 đến nay, đơn vị chúng tôi đã tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 100 trường hợp bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng bị nhiễm cúm (không kể các trường trường hợp điều trị ngoại trú). Dù chưa có trường hợp nào chuyển biến nặng, nhưng so với cùng kỳ hằng năm, thì số nhập viện do cúm tại địa bàn huyện Năm Căn đã có dấu hiệu gia tăng hơn đáng kể”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa về hô hấp của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cho biết, đường lây của bệnh cúm mùa biến chứng rất nguy hiểm với đường hô hấp khi bị bệnh. Do vậy, khi có các dấu hiệu phát hiện bệnh, người bệnh nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế và không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Việc phòng bệnh cúm tốt nhất là nên bổ sung dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc cá nhân thật tốt, bao gồm cả giữa ấm cơ thể về mùa đông, đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, không tiếp xúc với người bị nhiễm cúm, hạn chế tiếp xúc với người khác khi nghi bị cúm. Giải pháp tốt nhất vẫn là thực hiện tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh theo hướng dẫn của y tế.
Về đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh cúm mùa trong cộng đồng giai đoạn hiện nay, bác sĩ Nguyễn Hồng Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tất cả người dân trong cộng đồng đều phải được tiếp cận nguồn thông tin khuyến cáo trước nguy cơ dịch cúm đang bùng phát. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là các đối tượng sinh sống trong khu vực đang có người bị nhiễm cúm, khu vực có nguy cơ lây truyền cúm cao như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế khám và điều trị bệnh, gia đình có trẻ nhỏ, người có bệnh nền, bệnh mạn tính…”.
Hiện nay, việc tiếp cận thông tin của người dân về công tác phòng ngừa dịch bệnh tương đối thuận lợi, đến được nhiều đối tượng hơn, thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội như: Đài phát thanh, truyền hình, zalo, facebook, youtube… một cách nhanh chóng và có tác dụng kịp thời khá tích cực. Vì thế, các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong mùa lễ hội xuân và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm… Trong đó cần tăng cường công tác kiểm dịch y tế và chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại chỗ trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong.