image banner
TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ BỆNH NHÂN PHONG ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG

         Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh Cà Mau, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đang quản lý, giám sát và điều trị cho 350 trường hợp người bị mắc căn bệnh phong. Trong đó có 17 ca đang giám sát và 2 ca mắc mới đang trong quá trình điều trị. Còn lại thuộc đối tượng quản lý, chăm sóc tàn tật.

        Được biết, hầu hết những người mắc bệnh phong hiện nay, đều thuộc đối tượng người cao tuổi, không còn sức lao động. Nguồn kinh tế chủ yếu để trang trải cho cuộc sống hằng ngày của họ đều từ sự hỗ trợ của con, cháu, các mạnh thường quân hoặc người thân. Người bị tàn tật nặng thì cũng chỉ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước mỗi tháng không quá 800.000 đồng. Nguyên nhân này một phần là do người bị mắc bệnh phong thường mặc cảm, tự ti, tự xa lánh với cộng đồng nên cuộc sống của họ vốn đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

        Ông Phạm Văn Cọp, sinh năm 1955, ở ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình mắc bệnh phong đã hơn 30 năm nay. Do được phát hiện và điều trị muộn, nên ông đã bị tàn tật ở tứ chi. Vợ chồng ông không có con, lại không có tư liệu sản xuất, cả 10 đầu ngón tay của ông đều bị co rút, cứng cơ việc lao động nặng nhọc là gần như không thể. Công việc thường ngày của vợ chồng ông là lặn ngụp theo ven sông để cào hến bán cho các trại chăn nuôi, chế biến thức ăn cho tôm, cua. Hôm nào khá lắm thì cũng chỉ được từ 100.000 đến 150.000 đồng. Số tiền này vừa đủ để trang trải cuộc sống thường ngày, vừa phòng khi đau ốm để mà thang thuốc. Ông Phạm Văn Cọp chia sẻ: “Vợ chồng tôi ngày càng lớn tuổi, ốm đau liên tục, mà ngày nào cũng phải ngâm mình từ 5 đến 7 tiếng đồng hồ dưới nước, nên sức khỏe xuống mau lắm. Tôi chỉ mong nhà nước có nguồn vốn ưu đãi nào dành cho những người có hoàn cảnh như tôi, để tôi có điều kiện chăn nuôi hoặc buôn bán nhỏ đỡ phải vất vả tuổi già”.

        Cùng cảnh ngộ như ông Phạm Văn Cọp, ông Đoàn Văn Tại, sinh năm 1962, cùng ngụ tại ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng cũng bị bệnh phong từ những năm 1990. Vì không có đất sản xuất, ông phải đi thuê vuông nuôi tôm. Nhưng hiệu quả không cao, mỗi con nước xổ vuông cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày, thời gian còn lại ông phải đi kéo đất mướn, phát cỏ bờ vuông thuê cho người dân trong vùng. Ông Đoàn Văn Tại cho biết: “Nếu có nguồn vốn ưu đãi, với số vốn hơi khá khá một chút tôi sẽ dùng để cải tạo miếng vuông cho đúng tiêu chuẩn, còn lại dùng để trồng màu, chăn nuôi… Chứ nếu chỉ được đầu tư vài triệu đồng, cũng chẳng thấm vào đâu. Có như vậy thì những người có hoàn cảnh bị mắc căn bệnh phong dẫn đến di chứng tàn tật như tôi, sẽ không còn quá khó khăn để hằng ngày phải mưu sinh nữa”.

         Thật vậy, có chứng kiến những con người không may bị mắc chứng bệnh phong quái ác mới hiểu được những khó khăn trong cuộc sống thường ngày của họ. Bằng nghị lực và ý chí kiên cường, những bệnh nhân này đã được điều trị ổn đinh có sức khỏe tốt, nỗ lực vượt lên số phận với  ước muốn đơn giản là  trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Gặp họ chúng tôi thật sự cảm phục trước ý chí, nghị lực của những bệnh nhân phong tàn mà không phế. Thế nhưng, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa giúp những người mắc bệnh phong vươn lên hòa nhập cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương là vấn đề cần đến sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị - xã hội. Bà Phan Cẩm Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời thông tin với chúng tôi: “Hội Phụ nữ địa phương, cũng đã làm cầu nối với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng nhiều dự án đầu tư cho đối tượng nghèo, trong đó có cả đối tượng là người bị bệnh phong. Thường một dự án nuôi cá, nuôi heo cũng không vượt quá 100 triệu đồng. Nhưng hầu hết người bị bệnh phong đều thuộc đối tượng đã hết tuổi lao động, hoặc không có tư liệu sản xuất, lại không có con cháu sống chung để làm chủ dự án, nên nhiều chương trình ưu đãi có số vốn lớn đều không đến được với tay họ. Những dự án nhỏ, với mức đầu tư chỉ vài triệu đồng thì thường là không mang lại hiệu quả cao”.

          Rõ ràng, để giải quyết bài toán thoát nghèo cho bệnh nhân phong một cách bền vững, để họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, thì vấn đề căn bản vẫn là làm sao giúp cho họ có được “nhịp cầu” kết nối với cộng đồng, từ việc an cư đến nguồn vốn, kiến thức kinh doanh hoặc phương pháp chăn nuôi… Đó chính là động lực để bệnh nhân phong xóa đi mặc cảm, tự ti và từng bước tự ổn định cuộc sống của chính mình.

Hiền Sĩ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 19.4
  • HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO 24.3
  • TẠP CHÍ Y HỌC VÀ SỨC KHỎE 15.3
  • CDC TÔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2023 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024
  • NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ CƠ SỞ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 202
  • Trong tuần: 5 268
  • Tất cả: 850759

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com