image banner
TÍCH CỰC TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU

Trước hết cần phải khẳng định, bạch hầu là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc dạng cấp tính ở vùng cổ họng, đường hô hấp trên và cực kỳ nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ khi sức đề kháng của các em còn yếu.

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, hầu hết các ca bệnh bạch hầu đều có tỷ lệ tử vong lên đến 20%. Điều đáng lo ngại hơn, là tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Các dấu hiệu triệu chứng điển hình của căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này thường gặp là: Mệt mỏi, biếng ăn, đau rát ở cổ họng. Khi bệnh có dấu hiệu diễn biến nặng, người bệnh thường xuất hiện tình trạng sưng hạch ở cổ, sưng tấy ở vùng dưới hàm, sau đó là thể trạng tái xanh, mạch nhảy nhanh, đờ đẫn thậm chí là hôn mê. Điều đáng nói ở mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu, là tất cả các đối tượng đều có thể mắc phải căn bệnh này, kể cả đối với người lớn nếu chưa được tiêm đủ liều vắc xin để ngừa chủng, nhất là những ai tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc đi đến vùng có dịch. Tuy nhiên, riêng đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi do có hệ miễn dịch thụ động từ mẹ, nên bé sẽ được miễn nhiễm với căn bệnh này.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đọc, Trưởng khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế Quốc tế - Ký sinh trùng côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Bệnh bạch hầu rất dễ lây truyền qua đường hô hấp, cụ thể là khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị bệnh, thông qua giọt bắn dịch tiết từ bệnh nhân hoặc người có mang vi trùng khi ho, hắt hơi. Đối với những khu vực đông dân cư như: Chợ, trường học, các trung tâm thương mại, những cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ phải tiếp xúc thường xuyên với người dân… nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh phòng bệnh, đều là môi trường thuận lợi để căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này có cơ hội phát triển và lây lan”.   

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của bệnh bạch hầu ở một số địa bàn trên cả nước, cá biệt có những địa phương như: Nghệ An, đã có trường hợp tử vong; Thanh Hóa đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp dịch bạch hầu; Tp. Hồ Chí Minh phát hiện có nhiều ca mắc bệnh… Do vậy, Giám đốc Sở y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo quyết liệt cho ngành y tế tỉnh nhà: “Phải rà soát, thống kê đầy đủ, kịp thời đối với nhóm người chưa được tiêm ngừa vắc xin hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ liều. Ở các xã, phường, thị trấn nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần phải được bổ sung đầy đủ vắc xin để tổ chức tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét. Đồng thời, cần tích cực tổ chức theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các trường học, cơ sở đào tạo; tổ chức thường xuyên việc vệ sinh nơi ở, trường học (nhất là đối với các trường bán trú). Ngoài ra, các địa phương cần phải thông báo kịp thời cho y tế tuyến trên khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để được kịp thời cách ly, xử lý ổ dịch, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bùng phát thành các ổ dịch lớn”.

Theo thông tin của ngành chuyên môn cho biết, bệnh bạch hầu hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa và cả thuốc đặc hiệu. Do vậy, người dân cũng không nên quá hoang mang. Thế nhưng, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này ở nước ta hiện vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn, vì thế khả năng mắc bệnh trong cộng đồng vẫn luôn tiềm ẩn với nguy cơ cao, nếu chưa được tiêm ngừa vắc xin hoặc thiếu các biện pháp an toàn khi tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.

Giải pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu, vẫn là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch cho trẻ nhỏ và các thành viên trong gia đình, để đảm bảo “độ phủ sóng” khả năng miễn dịch cần thiết cho trẻ trong độ tuổi. Riêng đối với người trưởng thành, có thể tiêm mũi nhắc lại trước 65 tuổi. Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, cồn y tế; che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Chú trọng việc giữ vệ sinh thân thể, nhất là ở những vùng nhạy cảm như: Mũi, họng… Hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc thậm chí chỉ là nghi ngờ mắc bệnh. Nhà ở phải được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ bằng các loại nước khử khuẩn thông thường, bố trí đủ ánh sáng. Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời phải thực hiện cách ly, nếu đã mắc bệnh.

 

Phương Vũ
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
  • PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU, HO GÀ
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 476
  • Trong tuần: 5 695
  • Tất cả: 987541

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com