image banner
Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh bạch hầu
Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa tối ưu, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này.

TS. BS Lê Nguyễn Trọng Nhân, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cho biết:  Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do một số chủng vi khuẩn tên Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi và họng của người bệnh hoặc người mang vi khuẩn không có triệu chứng. Trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, nhưng trẻ em là nhóm nguy cơ cao nhất.

Việc tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch có ý nghĩa rất lớn trong việc dự phòng bệnh bạch hầu. Lịch tiêm ngừa quan trọng cho trẻ là tiêm mũi 5 trong 1 và 6 trong 1. Trong đó, mũi 5 trong 1 gồm vắc xin ngừa Bạch hầu (Diphtheria), Uốn ván (Tetanus), Ho gà (Pertussis), Viêm gan B (Hepatitis B), Haemophilus influenzae type b (Hib); Mũi 6 trong 1 có thêm thành phần ngừa bại liệt. Ba mũi bắt buộc tiêm: Khi bé được 2 tháng tuổi (Mũi 1); Khi bé được 3 tháng tuổi (Mũi 2); Khi bé được 4 tháng tuổi (Mũi 3). Vì kháng thể có thể giảm nồng độ theo thời gian nên cần được tiêm mũi nhắc lại: Khi bé được 18 tháng tuổi (Mũi 4) và khi bé được 4-6 tuổi (Mũi 5).

Vắc xin 5 trong 1 được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã giúp làm giảm tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu và tạo được lá chắn miễn dịch rộng rãi. Tuy nhiên, do sự gián đoạn cung ứng vắc xin thời gian qua, một số địa phương đã ghi nhận các ca nhiễm mới. Theo thống kê của Bộ Y tế trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ tiêm vắc xin 5 trong 1 có thành phần bạch hầu và ho gà (DPT-VGB-Hib 3) cho trẻ từ 2, 3 và 4 tháng tuổi chỉ đạt 36,8% so với chỉ tiêu 37,3%. Tính đến ngày 18/7/2024, cả nước đã có 09 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 01 trường hợp tử vong.

 BS. Nhân cho biết thêm: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trở lại của bệnh bạch hầu là việc tiêm chủng chưa được thực hiện đầy đủ. Vẫn còn nhiều trường hợp chỉ tiêm phòng trong những năm đầu đời và không thực hiện tiêm nhắc lại khi lớn lên. Kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu không tiêm nhắc lại.

  Vắc xin bạch hầu được khuyến cáo tiêm cho trẻ sơ sinh và người lớn chưa được chủng ngừa. Với khả năng kích thích sản xuất kháng thể, vắc xin giúp ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh bạch hầu xâm nhập và phát triển. Tiêm vắc xin sẽ tăng cường bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh, đồng thời làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng. Do đó, trẻ em cần được tiêm phòng đầy đủ vắc xin theo chương trình tiêm chủng. Với người lớn, tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu 10 năm/lần còn giúp duy trì kháng thể và củng cố miễn dịch lâu dài.  

   Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa bạch hầu, ho gà và uốn ván. Vì trẻ trước 2 tháng tuổi vẫn cần được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm những bệnh nguy hiểm. Khi được tiêm ngừa, cơ thể mẹ sẽ tạo ra các kháng thể cần thiết để chống lại các tác nhân gây bệnh. Kháng thể này sẽ được truyền cho con và bảo vệ con trong những tháng đầu đời. Hai tuần là khoảng thời gian cần thiết để tạo ra kháng thể hiệu quả nhất là và cũng cần khoảng hai tuần để kháng thể truyền qua thai nhi. Thời điểm tiêm vắc xin nên từ tuần thứ 27 đến tuần thứ 36 của thai kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả bảo vệ tốt nhất, BS. Nhân thông tin thêm.

     Bên cạnh tiêm vắc xin, người dân cần kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh khác như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. 

Mỹ Trâm
Video truyền thông
  • TẠP CHÍ YHSK 20/9
  • PHÒNG CHỐNG BỆNH BẠCH HẦU, HO GÀ
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • PHÒNG BỆNH BẠCH HẦU
  • KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM HIV ONLINE
1 2 3 4 5  ... 
image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 597
  • Trong tuần: 5 816
  • Tất cả: 987662

Liên hệ

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau

Đơn vị chủ quản: Sở Y Tế Cà Mau

Chịu trách nhiệm nội dung: BSCKII Nguyễn Quan Phú - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm

Địa chỉ:Số 91, đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP. Cà Mau

Điện thoại: 02903 831 009

Email: camaucdc@gmail.com