Hàng năm đến mùa mưa thì muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát cao. Những năm qua, ngành Y tế Cà Mau đã đẩy mạnh các giải pháp để phòng bệnh, trong đó mô hình nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng được đánh giá là mô hình dễ thực hiện và mang lại hiệu quả. Hiện nay, các địa phương đang nhân rộng mô hình nuôi các bảy màu trong nhân dân để chủ động phòng, chống dịch .
Tại xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, mô hình nuôi các bảy màu trong các bể, lu, thùng phi được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của xã triển khai đến các ban, ngành đoàn thể, lược lượng đảng viên, các tổ y tế, cộng tác viên y tế ấp và đặc biệt là nhân rộng rộng mô hình nuôi cá bảy màu trong các hộ dân. Trong quá trình nuôi, các hộ dân được nhân viên y tế hướng dẫn chăm sóc và hướng dẫn thả vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Thấy được lợi ích của việc phòng bệnh, người dân tích cực tham gia mô hình. Ông Nguyễn Chí Cường, ấp 19/5, xã Khánh Bình nói “Được tuyên truyền từ trạm y tế nên gia đình tham gia mô hình nuôi các bảy màu, dần dần cá phát triển nhiều ngoài diệt lăng quăng tại gia đình tôi còn cho những hộ xung quanh để cùng nhân rộng mô hình”.Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổ y tế ấp 19/5, xã Khánh Bình cho biết “Mô hình nuôi các bảy màu để phòng bệnh sốt xuất huyết được người dân hưởng ứng nhiệt tình, đến nay có hơn 60% hộ dân trong ấp có mô hình các bảy màu. Hàng tháng chúng tôi đến giám sát, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc và thả vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng”.
Nuôi các bảy màu thả bào các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà để diệt lăng quăng là mô hình dễ thực hiện, tiết kiệm và mang lại hiệu quả cao. Nhờ phát triển mô hình nuôi cá bảy màu cùng với các biện pháp diệt muỗi mà dịch bệnh trên địa bàn xã được kiểm soát tốt, từ đầu năm đến nay xã Khánh Bình không ghi nhận ca mắc bệnh sốt xuất huyết nào. Bác sĩ Nguyễn Công Tác, Trưởng Trạm y tế xã Khánh Bình nói “Ngay từ đầu năm Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của xã đã triển khai mô hình nuôi cá bảy màu cho các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và triển khai rộng rãi trong nhân dân. Người dân tích cực hưởng ứng, mô hình nuôi cá bảy màu mang lại hiệu quả tích cực trong phòng bệnh sốt xuất huyết tại địa phương”.

Mô hình nuôi cá bảy màu được Trạm Y tế xã Rạch Chèo, hiện nay là xã Nguyễn Việt Khái duy trì từ nhiều năm nay. Vào đầu mùa mưa Trạm y tế đã có số lượng cá khá nhiều để cung cấp cho các ấp để nhân rộng mô hình nuôi trong các hộ dân. Ngoài ra, lượng cá bảy màu còn đảm bảo đầy đủ trong các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi dựa vào cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhờ đó công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại đây đạt nhiều kết quả quan trọng. Bác sĩ Tô Hoàng Vĩnh, Trưởng Trạm y tế xã Nguyễn Việt Khái cho biết “Tại Trạm y tế có 6 thùng phuy lớn để nuôi cá bảy màu, đảm bảo đầy đủ nguồn cá để cung cấp cho người dân để diệt lăng quăng. Chúng tôi thường xuyên đến hộ dân tuyên truyền, đồng thời đem theo các bảy màu để thả vào các dụng cụ chứa nước, qua kiểm tra nhờ mô hình cá bảy màu mà tỷ lệ lăng quăng, muỗi giảm đáng kể. Đến cuối tháng 6/2025 xã Rạch Chèo, xã Việt Thắng và xã Tân Hưng tây nay là xã Nguyễn Việt Khái chỉ ghi nhận 03 ca mắc bệnh sốt xuất huyết”.
Để mỗi người dân, mỗi gia đình cùng tham gia công tác phòng bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế kêu gọi cộng đồng cùng hưởng ứng. Với chủ đề “Cộng đồng hành động – đẩy lùi sốt xuất huyết”. Bác sĩ Vương Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Y tế kêu gọi “Ngành Y tế mong muốn sự phối hợp mạnh mẽ từ các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Quan trọng là ý thức của mỗi người dân, cần chủ động và thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ Vương Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau “Kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và cả cộng đồng hãy tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là ý thức chủ động của mỗi người dân. Mỗi người dân, mỗi gia đình hãy dành thời gian để vệ sinh môi trường, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước có thể phát sinh lăng quăng, nhân rộng mô hình nuôi cá bảy màu trong nhân dân và thả cá bảy màu để diệt lăng quăng. Có như vậy dịch bệnh sốt xuất huyết mới có thể được kiểm soát tốt”.
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh ghi nhận hơn 300 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi, đặc biệt là phải có sự tham gia thường xuyên và liên tục của cả cộng đồng.