Phòng, chống tác hại thuốc lá: Cần giám sát, xử phạt quyết liệt hơn
Hút thuốc lá gây ra những tác hại khôn lường đến sức khỏe, tạo gánh nặng lên kinh tế cho gia đình và xã hội. Vì thế, cần phải có những giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên.
Nhiều năm qua, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các quy định của Luật PCTHTL và xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc được thực hiện nghiêm.
Qua 10 năm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chính thức có hiệu lực, nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường của người lao động đã được nâng cao, có chuyển biến rõ rệt trong hành động. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã thành lập được Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động, báo cáo tổng kết hàng năm. Thực hiện các hoạt động tuyên truyền như treo pa nô, áp phích, biển cấm hút thuốc lá và Luật PCTHTL ở những vị trí dễ quan sát. Đặc biệt là đã đưa vào quy chế cơ quan, đơn vị; thực hiện ký cam kết và nhận xét thi đua theo quý, năm. Do đó, Luật PCTHTL đã và đang thực sự có hiệu lực tại các cơ quan, đơn vị. Qua các đợt giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại các cơ quan, đơn vị, những mẩu thuốc lá, gạt tàn hay mùi khói thuốc lá, thuốc lào tại nơi làm việc đã không còn.
![anh tin bai](https://storage-vnportal.vnpt.vn/cmu-khdn-2/4319/2023/THANG11/3-.jpg)
Ông Ong Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước cho biết: Cơ quan nghiêm túc thực hiện xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, đưa nội dung này vào quy chế và xét thi đua hàng năm, dán các biển cấm hút thuốc tại các vị trí dễ nhìn... Chính vì vậy, tình trạng hút thuốc lá của công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị và người dân đến liên hệ làm việc đã giảm hẳn và không còn.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật mới chỉ dừng lại ở các cơ quan đơn vị, trong cuộc sống đời thường việc hút thuốc tuy đã giảm nhưng chưa triệt để. Nhiều người dân vẫn hút thuốc tại những nơi cấm như bệnh viện, bến tàu, bến xe, trường học,... Khi được nhắc nhở thì cũng chỉ bỏ lúc đó thôi, chứ họ chưa thực sự có ý thức bỏ thuốc lâu dài.
Theo Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về PCTHTL thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng như: Trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng chờ của nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000đ… Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người dân vẫn hút thuốc lá ở những nơi không được phép.
Theo quy định của Luật PCTHTL và nghị định liên quan, lực lượng xử lý ở địa phương chỉ chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt. Trên thực tế một số người dân vẫn vi phạm Luật, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bất chợt và để xử phạt được thì phải có đủ các ban, ngành theo quy định. Trong khi đó, lực lượng có quyền xử phạt mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể thường xuyên theo dõi, xử phạt được.
Chính vì vậy, để mọi người dân hiểu rõ về tác hại của thuốc lá và thực hiện nghiêm Luật PCTHTL, cần tập trung vào công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp Nhân dân từ bỏ thuốc lá. Tiếp tục triển khai các văn bản về PCTHTL đối với cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và vận động những người đang hút thuốc lá dần bỏ thuốc hoặc hỗ trợ về chuyên môn cho để giúp họ cai thuốc lá thành công.
Để Luật PCTHTL thực sự đi vào đời sống, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thì rất cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, xử phạt của các cơ quan chức năng. Đồng thời, cần có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh. Quan trọng hơn hết là mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự giác và ý thức chấp hành Luật PCTHTL để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và cộng đồng.