Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại cho chính người hút thuốc mà còn lá nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá có chiều hướng gia tăng. Sử dụng thuốc lá trong nhà vẫn là thói quen của đại đa số người hút, điều này làm phụ nữ và trẻ em phần lớn trở thành người hút thuốc thụ động.
Trong khói thuốc chứa khoảng 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có nhiều chất đã được chứng minh là gây ung thư. Đối với trẻ em, tác hại càng nghiêm trọng do hệ hô hấp và miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, do đó nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc. Trẻ có cha mẹ hút thuốc sẽ bị giảm các chức năng của phổi và dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe.
Một trong những hậu quả đáng lo ngại là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân, thường xảy ra trong khi ngủ. Các nghiên cứu cho thấy trẻ có mẹ hút thuốc trong thai kỳ hoặc tiếp xúc với khói thuốc sau sinh có nguy cơ tử vong do SIDS cao 1,4 cho đến 8,5 lần so với trẻ không tiếp xúc.
Khói thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ khi chào đời. Theo thống kê, trẻ có mẹ tiếp xúc với khói thuốc khi mang thai thường có cân nặng thấp hơn trung bình khoảng 200g so với các trẻ khác. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ chậm phát triển thể chất và trí truệ ở trẻ sơ sinh.
Một tác đông khác của việc hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em là về các bệnh lý hô hấp. Hệ hô hấp của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, khi sống trong môi trường có khói thuốc, trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… Không những vậy, các triệu chứng ho kéo dài, khò khè, nhiều đờm cũng xuất hiện thường xuyên hơn ở trẻ sống trong gia đình có người hút thuốc. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính tăng lên đáng kể nếu trong nhà có cha mẹ hoặc người thân hút thuốc.
Một tác hại ít được nhắc đến là viêm tai giữa, một bệnh thường gặp ở trẻ em và có thể gây mất thính lực nếu không điều trị kịp thời. Trẻ phơi nhiễm khói thuốc có nguy cơ viêm tai giữa tái phát cao hơn 1,3 lần và mắc bệnh chảy mủ tai mãn tính cao hơn 1,4 lần so với trẻ không tiếp xúc khói thuốc.
Ngoài ra, khói thuốc lá là yếu tố trầm trọng thêm bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ. Không chỉ gây ra các cơn ho, khò khè, khó thở, khói thuốc còn khiến bệnh tái phát thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến chất lượng sống và học tập của trẻ. Nhiều nghiên cứu ghi nhận trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá giảm từ 4,3% đến 4,8% các chỉ số quan trọng về chức năng phổi so với trẻ khác.
Khói thuốc lá thụ động là mối đe dọa thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm. Trẻ em không thể tự bảo vệ mình trước môi trường độc hại của khói thuốc lá, cha mẹ, người thân và những xung quanh cần chủ động tạo dựng một không gian sống trong lành, an toàn. Hãy hành động bảo vệ trẻ em trước ảnh hưởng của khói thuốc lá bằng việc đơn giản như không hút thuốc trong nhà, khu vui chơi… Hãy hành động bỏ thuốc lá ngay hôm nay hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh.