Vấn đề an toàn thực phẩm không phải cho đến bây giờ mới được nhắc đến. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng đang ngày càng gia tăng, do việc vi phạm về chế độ an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật đối với người kinh doanh trên thị trường.
Trong các loại thực phẩm luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, thì giá đậu xanh (giá đỗ) là loại thực phẩm phổ biến nhất, bởi cây rau giá người ta có thể sử dụng để ăn kèm với các loại rau ăn lá khác trong các bữa ăn của gia đình. Vì chúng vừa ngon, thanh nhiệt lại vừa bổ, rẻ. Tuy nhiên, để mau thu hoạch và tăng lợi nhuận, thì nhiều chủ cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã không ngần ngại trong việc sử dụng hóa chất để kích thích sự phát triển của cây giá. Người tiêu dùng nếu có kinh nghiệm và cẩn trọng hơn, chỉ cần bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được. Ví dụ như: Cây giá khi được sử dụng bằng chất kích thích chỉ cần sau 2 hoặc 3 ngày là có thể thu hoạch được, thân cây ngắn, trắng mập, không có phần thân rễ. Người sử dụng loại giá này có thể sẽ bị ngộ độc cấp tính, không những tổn hại đến sức khỏe hiện tại, mà còn ảnh hưởng rất lâu dài về sau, thậm chí là có nguy cơ bị ung thư. Còn đối với các loại giá được sản xuất theo kiểu truyền thống, thời gian thu hoạch sẽ lâu hơn và cây giá cũng có phần thân dài và mềm hơn. Đặc biệt là cây giá đỗ nếu được sản xuất theo cách làm truyền thống sẽ có bộ rể nhiều và dài, có màu trắng ngà. Nhưng tuyệt đối là rất an toàn cho người tiêu dùng.
Chị Trần Thanh Nhuần, ngụ ấp Trùm Thuật A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Gia đình tôi cũng thường sử dụng giá đậu xanh trong các bữa ăn. Trước đây thì do tôi tự làm để sử dụng. Nhưng gần đây, vì phải bận làm công nhân cho một nhà máy chế biến bột cá trên địa bàn, nên sau khi tan ca, tôi chỉ có đủ thời gian để ghé qua chợ mua vội một ít thực phẩm dùng cho gia đình trong ngày, trong đó có giá. Cây giá bán ở chợ trông rất đẹp mắt như: Sạch, trắng tròn, cộng to, không có rễ. Nhưng lần nào khi sử dụng giá mua ở chợ, tôi cũng đều bị rối loạn tiêu hóa…”.
Có thể nói, vì lợi nhuận “thần tốc” mà hiện nay nhiều hộ sản xuất, hộ kinh doanh đã không ngần ngại sẵn sàng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Thực tế không chỉ riêng vì đối với cây giá đỗ, mà các loại rau xanh được sử dụng trong các quán ăn như: Rau muống bào, bắp chuối xắt mỏng, dưa bồn bồn, kể cả là củ cà rốt, cà chua, khoai tây… cũng được người bán ngâm thuốc để tẩy trắng, để trông đẹp mắt và hấp dẫn người tiêu dùng hơn, để giữ được độ tươi xanh lâu hơn và giòn hơn. Trong khi đây lại là những mặt hàng thường được thị trường tết tiêu thụ tương đối mạnh. Không những thế, mà một số hộ kinh doanh còn bày bán các loại rau ăn sống cùng các loại thực phẩm khác ngay bên cạnh nơi tập kết rác thải sinh hoạt của chợ, bên dưới gầm cầu. Đây chính là môi trường thuận lợi để cho các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn của rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Tả, lỵ, thương hàn… xâm nhập và gây nguy cơ tiềm ẩn mất toàn thực phẩm rất cao cho người tiêu dùng.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau thông tin, các loại hóa chất mà những hộ kinh doanh, buôn bán rau ăn lá, củ, quả ở các chợ đầu mối nói chung sử dụng trong việc bảo quản, ngâm hoặc tẩm ướp thực phẩm đều có độc tố rất cao như: NaHSO3; Na2S2O5 (Sodium bisulfite, natri bisulfit, natri hiđrosulfit..). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức FAO về chất phụ gia thực phẩm đã chỉ ra rằng, chất Na2S2O5 có độc tính gây chết động vật ở mức là 3.560mg/kg trên chuột. Riêng đối với chất natri bisulfit đã bị cấm sử dụng trên rau, quả ăn sống, vì tính độc tố của nó có thể gây chết người.
Theo thống kê của ngành y tế cho thấy, trung bình cứ mỗi ca sau khi bị ngộ độc thực phẩm dù chỉ là ở thể nhẹ, thì mức chi phí cho công tác xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cũng đã lên tới hàng triệu đồng. Đó là chưa kể đến những tác động lâu dài về sức khỏe và tâm lý của bản thân người bệnh và gia đình họ trong việc sử dụng các nguồn thực phẩm sau này, làm ảnh hưởng đến uy tín của những hộ kinh doanh trung thực, ảnh hưởng đến nguồn lợi kinh tế địa phương. Do đó, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn, tránh để tình trạng phạt rồi lại tiếp tục cho tái phạm đối với những người chỉ vì lợi nhuận trước mắt của bản thân, mà cố tình gieo rắc bệnh tật cho cộng đồng bằng việc sử dụng hóa chất không được phép của Bộ Y tế, để sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm.