Nước nói chung và nước sạch nói riêng, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và không thể thiếu được trong đời sống hằng ngày của con người, trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất thủy điện và kể cả là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Trong đó nước ngọt có vai trò thiết yếu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, nguồn nước sạch đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn nhằm phục vụ cho đời sống hằng ngày chỉ chiếm một tỷ lệ khá nhỏ. Trong khi hiện nay ở nhiều nơi, việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh (nguồn nước mặt, nước chưa qua lắng lọc, nguồn nước chưa được xử lý) vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn, những vùng bị nhiễm phèn mặn, vùng sâu… Tại tỉnh Cà Mau, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, nguồn nước ngầm của tỉnh được cấp từ công trình khai thác tập trung chủ yếu do 2 đơn vị cung cấp. Trong đó, công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau (cấp nước cho các khu vực đô thị, thị trấn, với khoảng 83.000 hộ, chiếm 96% hộ dân khu vực đô thị, thị trấn) và Trung tâm Nước (cấp nước các khu vực trung tâm xã và các tuyến dân cư nông thôn, với khoảng 40.000 hộ, chiếm 18% số hộ dân nông thôn). Con số này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/4 dân số trên địa bàn toàn tỉnh có nước sạch được sử dụng hằng ngày. Ngoài ra, còn khoảng 180.000 hộ dân sử dụng từ nước giếng khoan riêng lẻ từ hộ gia đình hoặc trữ nước mưa để sinh hoạt.
“Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường” được diễn ra từ ngày 12 - 17/5 hàng năm, chính là thông điệp quan trọng trong việc kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động trong nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống, khuyến cáo người dân phải biết cách khai thác và sử dụng nước một cách hiệu quả, tiết kiệm, bền vững, cùng có trách nhiệm với nguồn tài nguyên quý giá này hơn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ đã đề ra. Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường kém là một thách thức lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ổn định, gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, làm kìm hãm nền kinh tế. Không những vậy, mà môi trường sống của người dân còn bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn nguy cơ mắc các chứng bệnh về da, về đường tiêu hóa, các căn bệnh truyền nhiễm… tất cả đều có liên quan đến vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường. Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên bị ô nhiễm và thiếu nghiêm trọng do bị khai thác quá mức. Trong khi đó, nguồn nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm cao do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, dụng cụ để thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo vệ sinh.
Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thực hiện Tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người, làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Cùng với đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông về nước sạch và môi trường tại các trường học, ở các địa phương còn là nhằm giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng về sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để nâng cao sức khỏe và góp phần trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bởi lẽ, nước không những là tài nguyên thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe, sinh kế, môi trường, mà còn có giá trị về văn hóa và sự phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 55% công trình cấp nước sạch phục vụ cho 14.000 hộ ở vùng nông thôn bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nếu các công trình trên không được sửa chữa kịp thời, số hộ dân này sẽ có nguy cơ bị thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng”.
Theo khuyến cáo của ngành y tế cho biết, việc người dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch là nhằm để phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan… Do vậy, tình trạng người dân ở một số vùng của tỉnh Cà Mau hiện còn đang thiếu nguồn nước sạch để sử dụng hằng ngày, đã tạo ra những hệ lụy rất lớn đến vấn đề an sinh xã hội về lâu dài.
Ông Châu Công Bằng Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết thêm: “Tỉnh đang triển khai Dự án cấp nước sạch nông thôn tập trung, thuộc Dự án Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, với tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng, gồm: Xây dựng mới 6 hạng mục công trình và nâng cấp, mở rộng 7 hạng mục công trình, với 300 km mạng đường ống. Sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững cho 14.000 hộ dân. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2025”.
Đâylà giải pháp để giải quyết căn cơ, dứt điểm tình hình thiếu nước sạch cho người dân và là chiến lược trong các bước đột phá về khả năng cung cấp nguồn nước sinh hoạt bền vững cho người dân ở các khu vực chưa tiếp cận được nguồn nước nối mạng, vùng có dân cư tập trung thưa thớt, dân cư tại những vùng không tự khai thác (khoan giếng) được nước dưới lòng đất. Đồng thời, từng bước đầu tư cung cấp nước sinh hoạt bền vững cho dân cư vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay.